Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với bài toán sinh tồn khi dịch bệnh đã kéo dài đến tháng thứ tư. Đây là một trong những ngành thâm dụng lao động lớn nhất với số lượng công nhân gần 3 triệu người. Với các doanh nghiệp lớn, số lượng lao động lên đến hàng chục nghìn người.
Ngoài việc trả lương, các doanh nghiệp phải trích các chi phí như phí công đoàn, bảo hiểm xã hội tương đương một phần tư số lương cơ bản, theo luật lao động mới nhất.
Dệt may cũng là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt xung quanh 40 tỉ USD. Quý 1.2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 7,3 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Từ cuối tháng Ba đến nay, khi các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… bắt đầu bị phong toả do đại dịch COVID-19, các đơn hàng dệt may Việt Nam đã bị các đối tác đề nghị hoãn thanh toán hoặc hoãn giao hàng. Đây cũng là các khách hàng chính của ngành dệt may Việt Nam.
Đơn hàng khẩu trang của May 10 - một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành có giá trị khoảng 52 triệu USD, theo báo Tuổi trẻ. Giá trị này tương đương hơn một phần ba tổng doanh thu 2019 của công ty.
“Đây chỉ là một biện pháp tình thế nhằm đối phó với các đơn hàng đang bị đối tác đề nghị hoãn”. Không bình luận về số lượng cũng như giá trị đơn hàng khẩu trang, đại diện May 10 cho biết đến nay công ty vẫn chưa sa thải công nhân dệt may, chỉ giãn việc các lao động trong các lĩnh vực đào tạo. May 10 có các lớp giữ trẻ và trường Cao đẳng nghề, nhưng đều phải đóng cửa trong mùa dịch bệnh. Giáo viên mầm non đang được huy động để thực hiện các công đoạn đơn giản trong sản xuất khẩu trang như sắp xếp, đóng gói, đại diện May 10 cho biết.
May khẩu trang không khó, đặc biệt so với các sản phẩm phức tạp mà ngành dệt may Việt Nam đã làm như áo vest, áo sơ mi cổ cứng,… Tuy nhiên, biên lợi nhuận các sản phẩm khẩu trang thường không cao - một chuyên gia trong ngành dệt may cho biết.
May 10 cũng vừa đăng thông tin tuyển dụng 200 công nhân cho nhà máy tại Hải Phòng. “Chúng tôi chuẩn bị cho việc thay thế sắp tới nhằm nâng cao chất lượng lao động” - đại diện May 10 bổ sung. Hiện tại số lao động của May 10 ở vào khoảng 10.000 người.
Trong ngành may mặc, công nhân vào nhà máy mất khoảng 3 tháng để thành thục sản xuất một công đoạn ví dụ may cổ áo, cắt măng-séc áo,… và đạt năng suất tối ưu. Trong thời gian tiếp theo, công nhân thường được luân chuyển để có thể thực hiện các công đoạn khác trong cùng một bộ phận. Cho công nhân nghỉ việc và tuyển lại sau mùa dịch là lựa chọn cuối cùng của doanh nghiệp.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang kiến nghị tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí công đoàn cho đến tháng 6.2020.
Minh Thư