Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón

Mới đây tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật (gốc) có phạm vi ảnh hưởng tác động rất rộng, chi phối hầu như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Theo dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các bất cập liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-pld-1743087376.jpg
Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, hai luật “gốc” này còn một số bất cập, trong đó quy định về “công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa” đang gây nhiều hệ lụy cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm.

TS. Nguyễn Xuân Dương chỉ rõ việc quy định hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và phải công bố hợp quy là không phù hợp. Thực tế là các nước trên thế giới không có quy định công bố hợp quy và dấu hợp quy trên bao bì, nghĩa là hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam phải sản xuất cá biệt. Theo đó, các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy, làm phát sinh chi phí, thời gian và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

“Không có nước nào làm như vậy, ngay cả với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức xác suất để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu” - ông Dương nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, phải xác định đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

“Phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ những tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ tới của phát triển và hội nhập” - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị.

ts-nguyen-xuan-duong-pld-1743087376.jpg
TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, quy định công bố hợp quy phân bón có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, thứ nhất là tính chồng chéo pháp luật. Hiện nay Luật trồng trọt quy định cơ sở sản xuất phân bón phải được cơ quan nhà nước chuyên ngành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kiểm soát chất lượng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi được cấp giấy, cơ sở chịu đán giá giám sát 2-3 năm/lần và chịu chi phí liên quan đến việc đánh giá, giám sát, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra tại nhà máy và lưu thông sản phẩm trên thị trường. Như vậy việc một tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy sản xuất phân bón đã được cơ quan nhà nước kiểm soát để lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm là không cần thiết. 

Thứ hai là tính xung đột pháp luật. Hiện nay đang có 2 loại hình văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng của sản phẩm phân bón, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản về QCVN của Bộ Khoa học Công nghệ, mỗi văn bản này quy định cách thức quản lý chất lượng phân bón khác nhau. Như vậy, cũng là quản lý chất lượng sản phẩm phân bón, nhưng ban hành bằng QCVN thì phải công bố hợp quy, ban hành bằng thông tư thì không phải công bố hợp quy. 

Thứ ba là việc đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu để làm thủ tục công bố hợp quy hay đánh giá giám sát chỉ xảy ra ở thời điểm đánh giá, nhưng sau lấy mẫu đánh giá đó, có rất nhiều lô sản phẩm  khác được sản xuất ra theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại 1 thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm phân bón. 

Thứ tư là các chí phí hợp quy phân bón là một nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm phân bón trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và làm tăng giá thành sản xuất trồng trọt của người nông dân. Ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm phân bón khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu thì chi phí hợp quy cho toàn ngành phân bón sẽ vô cùng lớn (hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm). 

ts-nguyen-tri-ngoc-pld-1743087375.jpg
TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Theo đó, TS. Nguyễn Trí Ngọc nhận định, việc sửa đổi hai luật “gốc” sẽ giúp thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, việc sửa luật sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-a15915.html