Trong buổi nói chuyện chuyên đề tập trung 3 phần: Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh đặt vấn đề; những người tham gia phần thảo luận với diễn giả và diễn giả kết luận.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã trình bày những hạn chế của Việt Nam và người Việt, bao gồm: Thiếu cơ sở, trung tâm đủ quy mô và hiệu quả để đáp ứng đúng mức và kịp thời nhu cầu về nhân lực kỹ thuật và công nghệ đặc biệt là liên quan đến bán dẫn và AI; Cách thức dạy và học chưa đáp ứng đúng mức và hiệu quả yêu cầu của giai đoạn mới: Chưa phát huy Khả năng phân tích và tổng hợp, Khả năng so sánh và đánh giá Tư duy phản biện, Chưa cập nhật kiến thức hiểu biết theo xu thế hiện hành Hạn chế về vận dụng AI; Trình độ ngoại ngữ của phần lớn đội ngũ lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; Kiến thức hiểu biết về thế giới còn hạn chế; Tinh thần thái độ và phương pháp làm việc: Thiếu tự tin và chủ động trong quan hệ với cấp trên, Thiếu cái nhìn tổng thể, hệ thống, Lập luận và trình bày vấn đề thiếu logic, chặt chẽ; Ít khi đề xuất sáng kiến, chủ trương
Bên cạnh đó, Bà cũng nêu lên những lợi thế Việt Nam và người Việt như chính sách đối ngoại linh hoạt của Việt Nam; Chủ trương chính sách của Nhà nước Việt Nam thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu (độ mở của nền kinh tế); Cục diện sản xuất và xuất nhập khẩu liên quan đến Châu Á nói chung, Trung Quốc và Đông Nam Á nói riêng; Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương; Quy mô thị trường lao động, mức độ đào tạo và chi phí nhân công; Lao động Việt Nam chăm chỉ, cầu tiến, cởi mở, có kỉ luật, tiếp thu nhanh.
Tham gia phiên thảo luận cùng diễn giả trên sân khấu, Phạm Huỳnh Hương - Cựu Sinh viên Đại học Hoa Sen, Thủ khoa ngành Quản trị Nhân sự năm 2023, Cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong, hiện tại là Quản lý vận hành dự án khởi nghiệp về FnB thương hiệu Your Vibes Coffee & Space phản hồi: là một người trẻ mới ra trường, dù được đào tạo bài bản về chuyên môn, tuy nhiên giai đoạn đầu khi gia nhập môi trường doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ, tôi cũng có những rào cản khi giao tiếp với đồng nghiệp lẫn cấp trên quản lý. Đôi khi những thắc mắc nhỏ với những nội dung bình thường nhưng tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng để có chia sẻ với đồng nghiệp của mình.
Diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh đặt câu hỏi, liệu hào quang từ danh hiệu “thủ khoa trường Đại học” liệu có giúp gì cho công việc của bạn không. Huỳnh Hương thẳng thắn thừa nhận: mỗi quyết định liên quan đến công việc nhân sự của mình phải hết sức thận trọng, khả năng trình bày logic tôi học được ở trường đại học và sự nghiêm khắc kỷ luật từ gia đình đã giúp tôi được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Bạn Đặng Kỳ Anh – Sinh viên năm 3 Ngành Ngôn ngữ Anh – Trường Đại học Hoa Sen thì chia sẻ, từ quan sát của bạn về thái độ và phương pháp làm việc của người trẻ khi đi làm các công việc part-time, bạn nhận thấy sự thiếu tự tin, chủ động giao tiếp với cấp trên, thiếu cách nhìn tổng thể, lập luận và trình bày vấn đề thiếu logic và ngại đề xuất sáng kiến là rào cản của người trẻ ngày nay.
Trước phản hồi này, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh gợi ý về phương pháp học tập và phản biện của người châu Á và phương tây, giáo dục phương tây cho người học phản xạ và sự tự tin, trong khi giáo dục châu Á tuy chậm hơn nhưng có chiều sâu để có sự đánh giá khách quan. Bà cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ: khi tiếp cận vấn đề cần góc nhìn hai chiều cả mặt trái lẫn mặt phải của vấn đề. Bà cũng không quên động viên các bạn trẻ qua câu nói “Never give up –Kiên định không bao giờ từ bỏ” và sự lạc quan yêu đời của người Việt là chìa khóa giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và nghịch cảnh trong công việc và cuộc sống.
Chia sẻ tại chương trình, TS Phan Thị Việt Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, nhà trường mong muốn qua các chương trình nói chuyện cùng các chuyên gia để giúp cho sinh viên có những góc nhìn đa chiều, được truyền cảm hứng để không ngừng hoàn thiện bản thân, hiểu rõ lợi thế và hạn chế của bản thân, vượt qua những rào cản và thách thức của bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn, tự tin gia nhập cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Thanh Hương