Đầu tháng 03/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng công bố thông tin thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM hay thường được gọi là Xanh SM). Công ty có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trên 2 lĩnh vực: dịch vụ đặt xe điện và cho thuê ô tô – xe máy.
Tại thời điểm đó, bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng thì còn có một cái tên đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Thanh - người được giới thiệu là CEO GSM.
Bỏ học đại học, khởi nghiệp xưởng may gia công từ năm 18 tuổi
Với những thành công hiện tại, ít ai biết rằng ông Thanh từng là dân ngụ cư, sống trong xóm nghèo ven khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.
Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, ông đã bắt đầu công việc đầu tiên từ khá sớm – ngay từ năm 14 tuổi và đến năm 17 tuổi, ông đã trải qua nhiều nghề để mưu sinh như: phát tờ rơi, dán nhãn bao bì kem, đánh máy thuê…
Và bước ngoặt khởi nghiệp của ông đến vào năm 18 tuổi khi đang phụ việc tại xưởng may mặc. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy nhu cầu của một số công ty may mặc vì quá tải đơn hàng nên họ cần tìm xưởng gia công để làm các công đoạn nhỏ hơn. Nhìn thấy cơ hội, ông Thanh và những người cộng sự đã góp vốn mở xưởng gia công lại hàng may mặc, sau đó bán thành phẩm cho các doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp.
“Dù làm quy mô nhỏ nhưng đó là bước đầu đặt nền móng cho việc khởi nghiệp của tôi sau này”, ông Thanh cho biết. Sau lần khởi nghiệp đó, ông Thanh đã tích lũy được một số vốn và startup thêm hai lần nữa với lĩnh vực logistics.
Sau đó, vị CEO GSM cũng không ngừng tích lũy kinh nghiệm và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia trước khi đầu quân cho Vingroup.
Theo đó, giai đoạn tháng 03/2015 - 07/2016, ông đảm nhiệm vị trí quản lý kho vận tại Cargill Nutrition. Giai đoạn 07/2016 - 10/2017, giữ vị trí quản lý vận hành tại Lazada Express. Giai đoạn 12/2018 - 03/2019, giữ vị trí Phó Tổng giám đốc E-Logistics - một thành viên của tập đoàn ITL Group. Ngoài ra, ông Thanh cũng được biết đến là mentor kiêm nhà đầu tư thiên thần vào dự án Edu2Review.
Tuy bỏ học đại học giữa chừng để tập trung cho công việc, ông Thanh sở hữu một thành tích cá nhân cực kỳ đáng nể với các chứng chỉ như: MCSE của Microsoft, Chương trình phát triển mạng lưới doanh nhân trẻ (Thailand Campus) của trườngThammasat University, Tinh thần kinh doanh trong nền kinh tế mới nổi của HarvardX (sáng kiến học tập trực tuyến của Đại học Harvard thông qua edX) và PreMBA của trường Kinh doanh Harvard.
Ông Thanh cũng là một trong 5 đại diện Việt Nam được vinh danh trong danh sách “The Forbes Under 30 Asia Class of 2022” (Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022).
Một trong những lãnh đạo trẻ nhất của Vingroup
Sinh năm 1992, ông Thanh được giới thiệu là một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại Vingroup. Năm 2019, khi vừa tròn 27 tuổi, ông chính thức gia nhập Vingroup với vị trí Phó Tổng Giám đốc VinBus.
Năm 2021, ông Thanh lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông dưới vai trò là lãnh đạo của VinBus khi công ty này khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Thanh chia sẻ: “VinBus sẽ tạo nên sự khác biệt, không chỉ nâng cao trải nghiệm di chuyển của người dân mà còn tạo một cú hích chuyển đổi thói quen đi lại của cộng đồng. Qua đó giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, góp phần kiến tạo giao thông xanh tại Việt Nam”.
Sau đó, ông Thanh kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Tổng Giám đốc VinFast phụ trách mảng xe máy điện và đến tháng 03/2023 ông lại tiếp tục một hành trình “khởi nghiệp” mới với dự án GSM.
GSM được xem là một trong những dự án “thần tốc” nhất của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi được triển khai trong vỏn vẹn 38 ngày tính từ khi có ý tưởng đầu tiên đến ngày chính thức khai trương và chỉ mất 51 ngày để có mặt tại hai thành phố lớn.
Những bước tiến thần tốc của GSM
Thành lập và đi vào vận hành từ tháng 04/2023, GSM theo mô hình vận tải xanh đa nền tảng đầu tiên trên thế giới với đội xe thuần điện 100% và trực tiếp vận hành thương hiệu Xanh SM.
Ngay từ khi mới ra mắt, không ít những nghi ngại về việc Xanh SM lập ra để tiêu thụ xe VinFast. Tuy nhiên, bỏ qua những nghi ngờ như thế, sau 6 tháng hoạt động, Xanh SM đã tăng trưởng kỷ lục về quy mô và tốc độ, thực hiện hơn 6 triệu lượt vận chuyển hành khách.
Sau một năm kể từ ngày thành lập, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách hàng. Đồng thời, hãng khai trương thêm nhiều dịch vụ mới như: dịch vụ giao hàng Xanh Express, cho thuê xe điện tự lái, Xanh SM Platform…
Hiện tại, Xanh SM đã có mặt tại 55 tỉnh, thành phố trên cả nước với 80.000 phương tiện bao gồm ô tô điện, xe máy điện tự khai thác và xe của đối tác - tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường dịch vụ gọi xe.
“Khi mới bắt đầu, để chuẩn bị được một hoặc hai tỉnh thành thì chúng tôi có thể mất cả tháng, nhưng bây giờ thì một tháng có thể mở được 4-6 tỉnh, thành” – CEO GSM Nguyễn Văn Thanh chia sẻ. Và có lẽ với tốc độ này, việc hiện diện trên toàn quốc sẽ không còn xa với Xanh SM.
Với những con số biết nói như trên, có thể thấy dù là “tân binh” nhưng Xanh SM có những dấu ấn nhất định trên thị trường mà không phải hãng xe nào cũng làm được.
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence vừa công bố cho thấy chỉ 7 tháng sau khi ra mắt (tức quý 4/2023), Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 toàn ngành đạt 18,17% và gấp đôi thị phần của Be Group ở vị trí thứ 3 (9,21%). Đặc biệt, thị phần của Xanh SM gấp 3 lần thị phần của Gojek (5,87%) mặc dù khi đó Gojek đã có “thâm niên” hoạt động hơn 5 năm tại thị trường Việt Nam.
Mordor Intelligence cũng ví sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành gọi xe công nghệ Việt Nam, làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành.
Không chỉ tạo chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam, Xanh SM cũng đã nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài với thị trường quốc tế đầu tiên là Lào. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Xanh SM sẽ chính thức hiện diện tại 9 quốc gia trên toàn cầu và từng bước chuyển mình thành công ty công nghệ cung cấp nền tảng dịch vụ gọi xe thuần điện hàng đầu thế giới.
Bên cạnh việc liên tục mở rộng thị phần, Xanh SM còn là đơn vị tiên phong thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi xanh. Thời gian gần đây, Xanh SM đã hợp tác với hàng loạt hãng taxi, doanh nghiệp vận tải để chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện như: Én Vàng (Hải Phòng), Lado (Lâm Đồng), Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)…
Với những thành công bước đầu của Xanh SM từ khi ra mắt đến giờ, không thể phủ nhận những đóng góp không nhỏ của CEO GSM vào thương hiệu này.
Mặc dù có sự hậu thuẫn và sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của Vingroup và người sáng lập tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tuy nhiên với những kết quả đạt được ở thời điểm hiện tại, bản lĩnh dẫn dắt doanh nghiệp của “người thuyền trưởng” Nguyễn Văn Thanh là điều không thể bàn cãi.
“Khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, tôi không nghĩ quá nhiều đến những rào cản, khó khăn mà chỉ tập trung vào làm sao để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất mang lại hiệu quả cao nhất cho bộ máy của mình”, vị CEO GSM từng chia sẻ trên truyền thông. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm làm việc tại đâu thì cũng đều có những áp lực riêng nhưng cái gì cũng có giá trị của nó. Áp lực tạo nên kim cương, nói cách khác môi trường áp lực cao sẽ giúp rèn luyện bản thân tốt hơn, tích cực, chủ động và năng động hơn.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Xanh SM đã có một khởi đầu "như mơ". Tuy nhiên, vì thế những con số kỳ vọng về sự phát triển bền vững, tỷ lệ giữ chân khách hàng hay xa hơn nữa là vấn đề lợi nhuận đều là những bài toán thách thức không nhỏ đặt ra đối với CEO GSM bởi những thành công ở hiện tại vẫn chưa thể nói trước được kết quả trong tương lai.
Thanh Hồ