Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp Việt Nam cần liên kết, đổi mới để bứt phá trong kỷ nguyên mới

Tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển nông nghiệp không chỉ trong phạm vi ngành mà cần kết hợp với các ngành nghề khác, tạo thành một hệ sinh thái toàn diện để cùng phát triển trong kỷ nguyên mới.

a1-1735622430.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Phát biểu trước hơn 4.500 đại biểu, trong đó có khoảng 2.000 nông dân và đại diện hợp tác xã, Thủ tướng nhấn mạnh rằng ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ "sản xuất thuần túy" sang "phát triển kinh tế nông nghiệp", đòi hỏi sự thay đổi nhận thức từ cấp ủy, chính quyền đến người nông dân. Ông nhấn mạnh: “Nông nghiệp không thể đứng một mình mà cần sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp, dịch vụ. Công nghiệp hóa nông thôn, liên kết doanh nghiệp và hợp tác giữa các ngành là yếu tố quyết định để xây dựng nông thôn hiện đại, nâng cao đời sống nông dân”.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết, từ tích tụ đất đai để có quy mô sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện cơ chế tín dụng và thuế, đến hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải và nâng cao giá trị gia tăng.

a2-1735622422.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Để đạt được những mục tiêu đã định hướng, cần các chính sách mạnh hơn, sát thực tiễn hơn. Tại hội nghị, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Chúng ta có chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa? Chính sách có đi vào thực tiễn không? Người nông dân cần tham gia kiểm chứng và góp ý để cải thiện chính sách.”

Ông lấy ví dụ về việc triển khai hiệu quả các gói tín dụng cho thủy sản và gỗ trong năm 2024, cũng như sự phản ứng nhanh của Chính phủ sau bão Yagi khi chỉ trong vài ngày đã có nghị quyết hỗ trợ tín dụng và bảo hiểm cho ngành nông nghiệp bị thiệt hại.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch vùng nguyên liệu và dự báo thị trường, đảm bảo phát huy tốt nhất lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành: “Chúng ta cần quy hoạch đúng vùng cho lúa, cây ăn quả hay các loại nông sản khác để tạo sự cộng hưởng phát triển. Đồng thời, phải liên kết vùng và tăng cường dự báo để đảm bảo ổn định thị trường.”

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã dành thời gian tri ân nông dân, hợp tác xã và những người làm nông nghiệp vì những đóng góp vượt bậc trong năm 2024. Ngành nông nghiệp đạt kỷ lục xuất khẩu 62,5 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 55 tỷ USD ban đầu, khẳng định vai trò trụ cột của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia.

Nhìn về năm 2025, Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tạo đà phát triển vượt bậc trong những năm tới. Ông kêu gọi các đại biểu và bà con nông dân tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế để đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân lên tầm cao mới.

“2025 không chỉ là năm tăng tốc mà còn là năm bản lề để khép lại thành công nhiệm kỳ Đại hội XIII, tiến tới Đại hội XIV với khí thế của một dân tộc giàu mạnh, văn minh, hùng cường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng và các Bộ trưởng cũng trực tiếp giải đáp những thắc mắc của đại biểu về các vấn đề tích tụ đất đai, quy hoạch liên vùng và chính sách tín dụng. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch liên kết vùng để không giới hạn phát triển bởi địa giới hành chính, trong khi Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy khẳng định các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tích tụ đất đai quy mô lớn.

Về tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có việc giãn, hoãn nợ và cung cấp các gói tín dụng ưu đãi.

Thủ tướng kêu gọi các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và cùng đồng lòng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, qua đó khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thanh Minh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nong-nghiep-viet-nam-can-lien-ket-doi-moi-de-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-a15291.html