TS Nguyễn Văn Đáng: "Kỷ nguyên mới" của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động được người dân rất quan tâm

LTS: Thời gian qua, những thông điệp và định hướng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập nhiều lần ở nhiều hội nghị, hội thảo khoa học. Đây là những định hướng chiến lược được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao. TS. Nguyễn Văn Đáng tại Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đã phân tích luận cứ khoa học, thực tiễn, nhận thức về kỷ nguyên mới theo quan điểm chỉ đạo, gợi mở của Tổng Bí thư cũng như thời điểm chúng ta lựa chọn để tự tin, vững bước vào kỷ nguyên mới. Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

ts-nguyen-van-dang-1735282122.png
TS Nguyễn Văn Đáng

Cụm từ "kỷ nguyên mới" rất hay, truyền cảm hứng. Qua theo dõi của tôi, cụm từ này được Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng lần đầu tiên tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV vào ngày 13/8. Sau đó, đến ngày 31/10, Tổng Bí thư có bài trình bày trước lớp đào tạo cán bộ chiến lược tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" rất truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng. Vấn đề là tại sao cụm từ này, quyết tâm chính trị này được người dân đón nhận hứng khởi như vậy?

Chúng ta nhìn lại lịch sử nhân loại, cụm từ "kỷ nguyên" thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà xã hội học dùng để nhìn lại quá khứ và dùng các đặc điểm vật chất nào đó để xác định một giai đoạn, ví dụ kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên đồ đồng hay kỷ nguyên công nghiệp, bây giờ là kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên số. Chúng ta lại dùng "kỷ nguyên" cho tương lai, thể hiện sự khác biệt. Ở đây, chúng ta chủ động xác định khoảng thời gian trong tương lai và ý chí quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bước tiến, bước chuyển hết sức rõ rệt về thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Khi chúng ta đề ra kỷ nguyên trong tương lai, tại sao lại được cán bộ, đảng viên và cả xã hội hứng khởi tiếp nhận như vậy? Cơ sở nào đem đến sự thuyết phục cho cụm từ này? Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu phân tích rất nhiều trên báo chí, truyền thông và đặc biệt trong các bài trình bày của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như tại các hội nghị Trung ương, các cuộc họp sau này. Có rất nhiều cơ sở giúp mọi người quan sát được, cảm nhận được, thuyết phục được mọi người.

Về mặt kinh tế chẳng hạn, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200 USD những năm 1990, đến nay GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300 USD. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.

Thứ hai, thương mại quốc tế từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay chúng ta đã có được các hiệp định thương mại tự do với gần 20 nước và tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới. Điều đó thể hiện sự hội nhập thế giới rất sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.

Về mặt xã hội, đến nay chúng ta đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công, đưa tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam xuống rất thấp.

Về mặt chính trị, từ cuối những năm 1980 cho đến những năm 1990, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Bất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ như vậy và thế giới có những cuộc cạnh tranh đa dạng, phức tạp trên bình diện khu vực và toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Như vậy, có thể nói, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, chúng ta đều có những bước tiến rất rõ rệt. Không chỉ nhân dân trong nước được thụ hưởng thành quả ấy mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới. Chính tâm thế đó của toàn bộ nhân dân Việt Nam khiến cho khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụm từ "kỷ nguyên mới", sau đó phân tích, bình luận và hướng người dân về tương lai, được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới, cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ 21, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao. Tức là chúng ta cố gắng vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới.

Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi chúng ta, nhưng tôi tin những gì đang diễn ra cho thấy đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ. Nhìn sang các nước trong khu vực, họ đã đi trước chúng ta và có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó họ rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình. Nếu chúng ta không chủ động, không nhìn thấy thách thức ấy để bứt lên, vươn lên thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Chúng ta có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD nhưng không thể bứt qua được 10.000 USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD, chỉ số phát triển con người phải vượt 0,8. Đấy là thách thức.

Chính vì thế, cụm từ "vươn mình" mà Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng rất ý nghĩa, như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, nếu không chúng ta vẫn có thể phát triển nhưng luẩn quẩn ở mước dưới 10.000 USD/người/năm và không thể gia nhập được nhóm các quốc gia phát triển, không thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi hẳn vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.

Với những căn cứ hết sức thực tế mà chúng ta quan sát được, cảm nhận được tâm thế xã hội, tôi muốn khẳng định: "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động và nêu ra hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tạo niềm cảm hứng trong toàn hệ thống xã hội. Người dân kỳ vọng Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ sắp tới.

TS. Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ts-nguyen-van-dang-ky-nguyen-moi-cua-dan-toc-ma-tong-bi-thu-to-lam-phat-dong-duoc-nguoi-dan-rat-quan-tam-a15255.html