Đã đến lúc nước Mỹ phải hủy bỏ việc vận động tranh cử tổng thống?

Cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu hôm 3.3 ở 14 bang trong vòng bầu cử sơ bộ, xếp hàng dài chờ đợi. Ngay hôm sau, bang California ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19

Laurie Garrett, cựu học giả cấp cao về sức khỏe toàn cầu, phóng viên từng đoạt giải Pulitzer, cho rằng đã đến lúc nước Mỹ phải hủy bỏ việc vận động tranh cử tổng thống như hiện nay.

Đã đến lúc nước Mỹ cần đặt câu hỏi, trong thời gian dịch bệnh, liệu có thể duy trì nền dân chủ như thông lệ, và nếu có, thì dưới hình thức nào? Câu trả lời có thể khiến mọi người thất vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, Mỹ phải cân nhắc hủy bỏ các chiến dịch vận động tranh cử, đồng thời nghiêm túc sắp xếp cách thức tổ chức ngày bầu cử để cử tri không phải tụ tập tại nơi bỏ phiếu.

Hãy xem xét sự sụp đổ thấy rõ của ngày Siêu thứ Ba 3.3: Cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu ở 14 bang trong vòng bầu cử sơ bộ, với một vài bang có số cử tri tham dự kỷ lục, xếp hàng dài chờ đợi. Số người có mặt bầu cử ở California đặc biệt đông. Ngay hôm sau, bang California ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 và Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn bang khi có bằng chứng lây nhiễm cộng đồng.

Nhưng sự nguy hiểm của chiến dịch bầu cử không chỉ là vấn đề xếp hàng bỏ phiếu. Nền chính trị Mỹ được xây dựng từ từng cái bắt tay, tư thế selfie, nựng nịu con trẻ và cái ôm ăn ảnh. Hai ứng cử viên đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Joseph Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đều nổi tiếng với những cái bắt tay và ôm hôn nồng nhiệt, trong một giờ họ có thể tiếp xúc cử tri nhiều hơn cả số lần tiếp xúc người khác của một người thông thường trong cả tháng. Bàn tay của ứng cử viên rất có thể là một vectơ truyền nhiễm, đưa virus từ người này sang người khác.

Một minh chứng là những gì diễn ra sau Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ngày 29.2, khi Tổng thống Donald Trump phát biểu với khoảng 19.000 người tập trung bên trong Trung tâm Hội nghị và Nghỉ dưỡng Quốc gia Gaylord ở National Harbor, Maryland. Tại đây, ông gặp gỡ, bắt tay và ôm hôn nhiều người ủng hộ. Trump bảo đảm với đám đông rằng mọi việc nằm trong tầm kiểm soát, và chính quyền của ông đang đối phó rất tốt với bùng phát, đến nỗi các chuyên gia phải “cho điểm A cộng, cộng, cộng”.

Nhưng Trump không biết rằng, virus Corona ở ngay đó, và không hề nao núng trước những lời hùng biện của ông. Ngày 7.3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác nhận một người từ New Jersey tham dự Hội nghị có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tổ chức tài trợ CPAC - Liên Hiệp Bảo Thủ Mỹ (American Conservative Union) trấn an nước Mỹ rằng người này không tiếp xúc với Trump và Pence (mặc dù Chủ tịch Tổ chức này, ông Matt Schlapp nói với tờ Washington Post rằng ông đã gặp bệnh nhân này và ngay sau đó bắt tay Trump trên sân khấu). Tiếp đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz tuyên bố tự cách ly, không còn xuất hiện trên Capitol Hill (nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) do đã bắt tay với bệnh nhân COVID-19 từ New Jersey."Tối qua, tôi được thông báo rằng 10 ngày trước tại CPAC, tôi có tiếp xúc trong chóng vánh với một cá nhân hiện có triệu chứng và kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, bao gồm trò chuyện ngắn và một cái bắt tay", Ted Cruz cho biết. Hiểu rằng các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa khác có thể cần làm tương tự, CPAC đưa ra tuyên bố của riêng mình: “Con cái, vợ chồng, gia đình và bạn bè của chúng ta đều có tham dự CPAC. Trong thời gian này, chúng ta cần giữ bình tĩnh, nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi gửi tin nhắn này trên tinh thần đó”.

Trong hai ngày tiếp theo, bốn thành viên khác của Quốc hội có tiếp xúc với “bệnh nhân CPAC” cũng tự cách ly. Một người trong số đó là Dân biểu Matt Gaetz ở Florida. Người này trước đó từng chế giễu nỗi sợ hãi COVID-19 trong một phiên họp bàn ngân sách khẩn cấp của Quốc hội bằng cách đeo mặt nạ phòng độc khi bước vào Hạ viện. Một người khác, là Dân biểu Doug Collins ở Georgia, ông thông báo cho Nhà Trắng rằng mình có bắt tay Tổng thống sau khi gặp gỡ “bệnh nhân CPAC”. Ở Thượng viện cũng có bầu không khí lo lắng chung, vì hơn hai phần ba Thượng nghị sỹ đều trên 60 tuổi và có nguy cơ cao nếu nhiễm virus Corona. Sau cuộc họp báo ngày 9.3 có đặt vấn đề về nguy cơ Tổng thống và Phó Tổng thống phơi nhiễm COVID-19 tại CPAC, các quan chức Nhà Trắng cho biết rằng cả hai người đều chưa được xét nghiệm.

CPAC đã trở thành một thông lệ trong chính trị Mỹ, nhưng không ai đưa được lý lẽ chứng minh nền dân chủ Mỹ không thể thiếu thông lệ này. Tương tự như nhiều truyền thống khác của các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, bao gồm các cuộc tuần hành, gặp gỡ công chúng và ôm hôn con trẻ. Không có lý do chính đáng nào để không đình chỉ ngay lập tức tất cả các thông lệ thiếu thiết thực như vậy, bắt đầu từ chính hai đại hội chính đảng nhằm chọn ra ứng cử viên chính thức của đảng mình tham gia tranh cử. Phi lý nhất là đối với đảng Cộng hòa. Đại hội của đảng Cộng hòa dự kiến ​​diễn ra vào ngày 24-27.8 tại Charlotte, North Carolina, là một cuộc siêu tuần hành được phát sóng trên cả nước, với chiến thắng gần như vô đối cho Tổng thống đương nhiệm. Nếu Đại hội vì dịch bệnh phải hủy bỏ cũng không ảnh hưởng đến việc Đảng Cộng hòa chính thức lựa chọn ông Trump.

Hủy bỏ đại hội, mặt khác, là sự hy sinh lớn đối với đảng Dân chủ. Nhiều nhà quan sát tin rằng cuộc đua giữa Biden và Sanders sít sao đến mức Đại hội ngày 13-16.7 ở Milwaukee sẽ không chọn ra được người chiến thắng sau vòng bỏ phiếu sơ bộ, khiến Đại hội trở thành Đại hội môi giới (brokered convention) đầu tiên của đảng Dân chủ sau gần 70 năm. Để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ, cả Biden hoặc Sanders đều phải giành được hơn 50% số phiếu đại biểu. Thậm chí nếu một trong hai này giành đủ số phiếu đại biểu trong vòng bầu cử sơ bộ, đảng Dân chủ vẫn cần một lễ hội tình yêu đầy cái bắt tay vui vẻ, thương lượng mặt đối mặt và ôm hôn con trẻ để thống nhất nội bộ đảng và thể hiện điều đó qua cuộc tuần hành truyền hình trực tiếp. Nếu dịch bệnh buộc phải hủy bỏ tụ tập ở Milwaukee, ứng cử viên đảng Dân chủ có thể gặp bất lợi rõ rệt trong cuộc tổng tuyển cử đối đầu với ông Trump và đoàn người ủng hộ trung thành của đương kim Tổng thống.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự hy sinh như vậy không phải chưa từng xảy ra với hệ thống chính trị Mỹ. Ngày 5.11.1918, Mỹ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ cho các ghế tại Quốc hội trong Thế chiến thứ I. Khi ấy, cúm Tây Ban Nha đng hoành hành khắp cả nước, cướp đi sinh mạng của nhiều người ở hầu hết các thành phố lớn và gieo rắc kinh hoàng khắp cả nước. Các chính trị gia từ bỏ hầu hết các thông lệ, như các cuộc tuần hành và diễn thuyết lưu động. (Do 1918 không phải là năm bầu cử tổng thống, nên vấn đề hủy bỏ Đại hội chính đảng không được đưa ra). Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu chỉ gần 40%, thấp hơn mức rất nhiều bình thường trong thời đại. Tuy nhiên, không ai nghi vấn về tính hợp pháp của kết quả.

Lịch sử cũng cho thấy rằng thông lệ của chính trị dân chủ trong bối cảnh dịch bệnh có thể làm sai lệch kết quả bầu cử. Năm 1976, Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford chạy đua với ứng viên đảng Dân chủ Jimmy Carter trong bối cảnh lo ngại về cúm H1N1. Hai trong số các nhà nghiên cứu về virus nổi tiếng nhất bấy giờ, đồng phát minh vắc-xin bại liệt - Jonas Salk và Albert Sabin, đồng ý với CDC rằng có sự xuất hiện của một dạng cúm mới có thể gây tử vong như đại dịch năm 1918. Trong lúc vội vã, vắc-xin được cho sản xuất và đưa vào tiêm chủng đại chúng một tháng trước ngày tổng tuyển cử. Một vài lô vắc-xin gây ra tác dụng phụ và bị thu hồi. Toàn bộ nỗ lực chống cúm H1N1 thất bại ê chề do dịch cúm không lây đến Mỹ, và hàng trăm người phàn nàn về tác hại lâu dài đối với sức khỏe của họ do tiêm ngừa vắc-xin. Mối đe dọa của cúm H1N1 không thúc đẩy thay đổi nào diễn ra trong quy trình dân chủ, các thông lệ như Đại hội, tuần hành, bỏ phiếu vẫn diễn ra đầy đủ, nhưng mối nguy hiểm của dịch bệnh có lẽ đã góp phần khiến Ford thua cuộc.

Câu chuyện lạnh người của Iran đặc biệt đưa ra cảnh báo cẩn trọng. Các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng Hai, và nước này tuyên bố hai ca tử vong ngày 19.2. Nhưng chính phủ vẫn tiến hành lễ kỷ niệm cách mạng Iran vào ngày 11.2 và cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 21.2. Cả hai sự kiện đều có sự tham gia của đông đảo dân chúng. “Chính quyết định chính trị này đã dẫn đến bùng phát dịch ở Iran”, bà Robin Wright, cây bút của tờ New Yorkerayatollah trích dẫn lời một chuyên gia chính sách y tế Iran. Các nhà dịch tễ học ước tính rằng, trong khoảng thời gian đám đông xếp hàng chờ bỏ phiếu, Iran đã có hơn 18.000 trường hợp nhiễm COVID-19. Hiện có khoảng 10% nghị sĩ Iran bị nhiễm bệnh, một số quan chức trong tầm tiếp xúc của lãnh tụ tối cao của Iran () đã nhiễm bệnh hoặc tử vong do virus Corona, và quốc gia này hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Các quan chức Iran có thể không nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng COVID-19 khi tổ chức lễ kỷ niệm ngày 11.2, nhưng họ chắc chắn biết cuộc bầu cử 10 ngày sau đó có nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ra sao nếu không có các trạm bỏ phiếu đông đúc, các cuộc tuần hành rầm rộ, các đại hội ồn ào, với những ngày tiệc tùng bên lề, tay bắt mặt mừng và ôm hôn trẻ nhỏ? Đến lúc chúng ta được biết câu trả lời, nếu không có các chiến dịch tranh cử. Ông Trump cho đến nay vẫn khẳng định rằng sẽ không có thay đổi nào, các buổi tuần hành và Đại hội đảng Cộng hòa vẫn được thực hiện, bất kể đại dịch. Nhiều người ủng hộ ông, bao gồm các thành viên của Liên minh Kitô giáo Hoa Kỳ (American Christian Union), tiếp tục tham dự các buổi họp mặt truyền giáo quy mô lớn và tin rằng sự xuất hiện của COVID-19 được dự đoán từ trước trong kinh thánh, và đức tin sẽ bảo vệ họ. Một số người tiếp thị áo phông với dòng chữ: “COVID-19: Tour Đại dịch Toàn cầu do Truyền thông thổi phồng 2020”, “Truyền thông chính thống: Nhồi sọ sự sợ hãi từ năm 1987”.

Chiến dịch tranh cử của cả Biden và Sanders đều không có tuyên bố liên quan đến tác động của dịch bệnh đối với các kế hoạch tương lai. Cơ quan Mật vụ có kịch bản để bảo vệ tổng thống, phó tổng thống, các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng và các ứng cử viên tổng thống (nếu được yêu cầu) khỏi những mối nguy hiểm tính mạng thực sự và hiện hữu, dù từ một kẻ ám sát hay một vụ đâm xe. Đến nay, Cơ quan này không có kịch bản ứng phó COVID-19 trong chiến dịch tranh cử. Nhưng sự thật quá rõ ràng: không dễ gì sàng lọc những người tham dự cuộc tuần hành, vì người nhiễm COVID-19 có thể không thể hiện triệu chứng bên ngoài. Giữ khoảng cách an toàn 2 mét giữa Biden, Sanders và Trump với đám đông có thể hạn chế rủi ro trực tiếp với các ứng viên – những người có thể vừa nhận vừa truyền bệnh cho đám đông, nhưng không ngăn được nguy hiểm đối với cử tri.

Nhưng ngay cả khi có thể thay đổi các thông lệ trong chiến dịch tranh cử, thì sự phản kháng trong văn hóa Mỹ vẫn rất lớn. Bức tranh chính trị Mỹ phần lớn là về các cuộc tuần hành lớn, đoàn người ủng hộ huyên náo, trong bầu không khí như buổi biểu diễn nhạc rock. Chuyển dịch từ tour diễn sôi động và tay bắt mặt mừng sang tránh tiếp xúc xã hội và nói chuyện qua kênh YouTube có thể làm suy kiệt tinh thần bầu cử, với tác động không ngờ đến kết quả. Ai cũng hiểu cần chuyển chiến dịch tranh cử sang định dạng trực tuyến. Các hình thức mới mẻ trong quảng cáo kỹ thuật số và video ngắn có thể thu hút công chúng quan tâm ở mức nhất định, nhưng thất bại của Michael Bloomberg, người được tài trợ mạnh về mặt truyền thông, cũng cho thấy giới hạn của việc tiếp cận trực tuyến.

Việc bỏ phiếu thực tế có thể, và nên, được tiến hành bằng cách gửi qua thư. Khi không thể tránh khỏi bỏ phiếu trực tiếp, cần phải rất chú ý đến việc giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn, tất cả công dân cách nhau một mét trong hàng và trong khu vực bỏ phiếu. Các chiến dịch vận động đi bỏ phiếu, dù gõ cửa từng nhà hay rầm rộ tại các trung tâm mua sắm lớn, cũng nên giữ khoảng cách an toàn. Việc vận động bầu cử, cho dù thông qua các cửa hàng mua sắm hay các trung tâm mua sắm lộng lẫy thì cũng nên kéo theo sự phân tán xã hội thích hợp. Tương tự như vậy là cuộc Điều tra Dân số sắp tới để quyết định số phiếu bầu của mỗi bang.

Chúng ta đang ở “tình huống chưa bao giờ xảy ra”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus ra cảnh báo vào ngày 2.3. Lời của ông hoàn toàn đúng, không những đối với COVID-19, mà còn đối với toàn bộ quá trình chính trị quốc gia. Nước Mỹ đã phải vật lộn với các thông tin độc hại lan truyền trên Internet về cuộc bầu cử như giả mạo tài liệu tranh cử và các đe dọa bạo lực đối với phóng viên tại các buổi tuần hành chính trị. Giờ đây nước Mỹ phải đối mặt với loại virus đe dọa làm suy yếu tiến trình hợp hiến thiêng liêng nhất của quốc gia. Và virus Corona sẽ chỉ chờ thời cơ các cuộc bầu cử sơ bộ, các đại hội chính đảng hay tổng tuyển cử tháng 11 được tiến hành để lây lan mạnh mẽ ở Mỹ như những gì đã xảy ra tại Iran.

Nước Mỹ không thể trả nổi cái giá nếu dẫm vào bước chân của Iran, tổ chức bầu cử quốc gia khi số ca nhiễm bệnh tăng vọt. Chính phủ cũng không thể chỉ đạo người dân thôi tụ họp đông người, làm việc tại nhà, tránh xa trường học, khi vẫn tổ chức các cuộc tuần hành và đại hội chính đảng. Nước Mỹ phải nhanh chóng từ bỏ cách thức cũ, và tìm ra cách thức mới, ít lây nhiễm hơn để tập hợp cử tri. Thời gian không còn nhiều.

Theo Foreign Policy

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/da-den-luc-nuoc-my-phai-huy-bo-viec-van-dong-tranh-cu-tong-thong-a1524.html