Tư duy phản biện – Nền tảng cho sự đổi mới bền vững

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tư duy phản biện không chỉ là một kỹ năng mà còn là động lực để xây dựng các chính sách đột phá, phù hợp với thực tiễn. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cam kết đồng hành, không ngừng đổi mới để hoàn thành sứ mệnh này.

a1-1735036032.jpeg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024”. Hội thảo có sự tham gia của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, cùng Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Nguyễn Quyết Chiến đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng sau 10 năm triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như: hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ trí thức để đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước; thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực tâm huyết với đất nước, ngành, lĩnh vực và địa phương; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cung cấp thêm thông tin, tư liệu khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan trước khi ra quyết định, đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả các đề án/dự án quan trọng của ngành, lĩnh vực và địa phương.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ trí thức, mà còn đóng góp giá trị thực tiễn, giúp hoàn thiện các chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả các dự án, đề án lớn”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho hay.

a2-1735036008.jpeg
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu.

Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, bà Bùi Kim Tuyến, cho biết các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã quy tụ đội ngũ chuyên gia tâm huyết, tích cực đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn 2021-2024, mỗi năm, Liên hiệp Hội đã tư vấn, phản biện 10-15 dự thảo chính sách, đồng thời thực hiện khoảng 10-12 nhiệm vụ có tính thời sự cao, liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể như: Khối lượng công việc lớn, thời gian hạn chế, các tài liệu phức tạp và chưa đầy đủ đã ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn; Chưa gắn kết chặt chẽ giữa đặt hàng và nguồn lực: Việc thiếu kinh phí và cơ chế hỗ trợ từ cơ quan nhà nước khiến hoạt động gặp nhiều trở ngại; Hạn chế trong tiếng nói phản biện: Một số nhà khoa học còn tâm lý e ngại, dẫn đến tiếng nói chưa thực sự mạnh mẽ.

a3-1735036032.jpeg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhấn mạnh rằng việc đổi mới nội dung, hình thức và cơ chế chính sách là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, cần rà soát Quyết định số 14, xác định rõ địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội và các hội thành viên trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Tùng Mậu cũng đề xuất ban hành văn bản pháp lý mới hoặc sửa đổi Quyết định 14, nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin, tư liệu từ các cơ quan liên quan, cũng như cải thiện chính sách tài chính để đảm bảo tương xứng với tính chất khoa học và công nghệ của hoạt động này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, tăng cường xây dựng mạng lưới chuyên gia: Đảm bảo đội ngũ có trình độ cao, kinh nghiệm phong phú để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả: Xây dựng cơ sở thông tin chuyên ngành, các văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng cho công tác tư vấn, phản biện. Đổi mới cơ chế phối hợp: Đề xuất quy trình tác nghiệp linh hoạt, phù hợp với các quy định ngân sách và tổ chức định kỳ các diễn đàn đối thoại.

Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam địa phương cho rằng cần tập trung hỗ trợ các đơn vị có tiềm lực, tạo hiệu ứng lan tỏa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao tiếng nói của Liên hiệp Hội trong các vấn đề nóng, qua đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong xây dựng chính sách.

Hội thảo kết luận rằng đổi mới nội dung, hình thức và cơ chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là động lực để đội ngũ trí thức đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển bền vững của đất nước.

BTV

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tu-duy-phan-bien-nen-tang-cho-su-doi-moi-ben-vung-a15231.html