Thông cáo báo chí của Vietnam Airlines cho biết trong tháng Ba, hãng đã khai thác 45 chuyến bay chuyên chở hàng hoá từ Hà Nội và TP.HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Bangkok (Thái Lan). Các chuyến bay này không có hành khách, tiếp viên, mà chỉ có tổ lái. Các chuyến chuyên chở hàng được dùng hai loại máy bay thân rộng Boeing 787-9 và Airbus A350, với sản lượng từ 20 - 25 tấn hàng mỗi chiều. Đây cũng là lần đầu tiên hãng khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng đầu tiên của Vietnam Airlines, hãng bay cho biết.
Đây là biện pháp tối ưu hoá nguồn lực sẵn có của Vietnam Airlines trong giai đoạn các chuyến bay quốc tế và nội địa của hãng bị dừng do dịch bệnh. Dừng bay, trong khi việc kiểm tra bảo dưỡng vẫn phải duy trì, đồng thời phải thu xếp sân đỗ khiến các hãng bay, đặc biệt các hãng sử dụng máy bay thân rộng, tốn chi phí không nhỏ. Tại Mỹ, các hãng bay do thiếu chỗ đỗ cho máy bay thân rộng, đã buộc phải huy động loại máy bay này cho các chuyến bay nội địa, vốn từ trước đến nay vẫn dùng máy bay thân hẹp để tối ưu chi phí.
Các máy bay chở hàng của Vietnam Airlines vẫn giữ nguyên ghế hành khách, chở hàng tại khoang riêng dưới bụng máy bay. “Một số kiện hàng nhỏ có thể được chở trên khoang hành khách” - một người làm trong ngành vận tải hàng không cho biết. Năng lực chở hàng của các loại máy bay thân rộng ngay cả khi chở khách cũng ở mức 20 - 29 tấn/chuyến.
Chuyến bay chở hàng đầu tiên của Vietnam Airlines cất cánh từ Hà Nội ngày 12.3.2030 đi Narita (Nhật Bản) và quay lại Hà Nội bằng máy bay A350. Sau đó hai ngày, một chuyến bay từ TP.HCM đi Thượng Hải hai chiều đã khai thác chuyến bay thuê chuyến đầu tiên vận chuyển nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giầy và linh kiện điện tử, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Theo hãng sản xuất máy bay Boeing, 60% lượng hàng vận tải hàng không là theo các máy bay chuyên chở hàng (freighter), 40% còn lại đi kèm với các đường bay vận chuyển hành khách. Giá cước vận tải freighter đắt hơn rất nhiều so với hàng chuyên chở theo máy bay chở khách, và thường chỉ dùng cho một số chủng loại hàng hoá đặc biệt như động vật sống, thiết bị y tế,… mà vận tải đường biển khó đảm nhận.
40% lượng hàng vận hàng không bị đình trệ do đại dịch khiến nhu cầu vận tải đường biển hai tháng trở lại đây cải thiện. Chỉ số vận tải hàng khô Baltic Dry Index (BDI) đã tăng từ mức 411 điểm đầu tháng Hai lên mức 548 điểm cuối tháng Ba, tương ứng 33,3%.
Minh Thư
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietnam-airlines-khai-thac-cac-chuyen-bay-chuyen-cho-hang-a1519.html