Giải pháp nào để hiện thực hóa ước mơ an cư khi giá nhà ở ngày càng leo thang?

Việc sở hữu nhà ở đang trở thành thách thức lớn đối với người có thu nhập thấp tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá nhà tăng nhanh, nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, cùng với thủ tục hành chính phức tạp, khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" ngày càng xa vời.

Có thể thấy, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đã tăng trung bình hai con số mỗi năm trong thập kỷ qua, khiến việc sở hữu nhà trở nên khó khăn đối với nhiều người.

Tại Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ chung cư – phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực – đã tăng đáng kể. So với quý I/2023, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội đã tăng 58%, trong khi tại TP.HCM tăng 17%. Nguồn cung nhà ở giảm mạnh từ năm 2018, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, làm giá bất động sản vượt xa tốc độ tăng thu nhập của người dân. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở thương mại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, thế hệ 9x ở Việt Nam tại thời điểm năm 2024 cần trung bình 25,8 năm thu nhập để mua một căn chung cư với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.

Còn theo số liệu quốc tế khảo sát, con số này là 23,5 năm. Như vậy là rất cao so với bình quân của thế giới. Thông thường các bạn trẻ cần đi làm khoảng 10 – 12 năm, tối đa 15 năm để kiếm một cái nhà. Còn ở Việt Nam lên tới 23-24 năm, gần hết đời công chức. Như vậy đi làm kiếm tiền gần cả đời công chức mới mua được cái nhà.

mua-nha-1734574997.jpeg
Giá bất động sản nhà ở tăng phi mã, khiến cho giấc mơ sở hữu một nơi an cư của người dân ngày càng khó khăn.

Từ dẫn chứng trên có thể thấy rằng, việc sở hữu nhà ở đang trở thành thách thức lớn đối với người có thu nhập thấp tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá nhà tăng nhanh, nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, cùng với thủ tục hành chính phức tạp, khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" ngày càng xa vời.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết người dân có thu nhập trung bình và thấp chỉ có thể trông cậy vào nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều thành phố lớn gặp khó khăn trong phát triển loại hình này do thiếu quỹ đất, vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phức tạp và khó thu hút chủ đầu tư.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm cân bằng cung – cầu. Về phía cung, cần tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả. Về phía cầu, người dân cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, tận dụng các chương trình hỗ trợ và linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để nhiều người dân có cơ hội sở hữu nhà ở đặc biệt cho người thu nhập thấp, cần đưa ra các giải pháp như:

Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ: Chính phủ đã đề ra Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính.

Thuê nhà như giải pháp tạm thời: Theo TS Nguyễn Văn Đính, việc thuê nhà với chi phí hợp lý, không quá 1/3 thu nhập, là lựa chọn phù hợp để tích lũy tài chính, chuẩn bị cho việc mua nhà trong tương lai.

Mở rộng tìm kiếm nhà ở vùng ven: Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, việc lựa chọn nhà ở tại các khu vực ngoại ô với giá cả phải chăng hơn có thể là giải pháp khả thi cho người thu nhập thấp.

Ngoài ra, việc cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng cũng được coi là những yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chỉ khi đó, bài toán nhà ở mới có thể được giải quyết hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả cá nhân và xã hội.

Hải Bình

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/giai-phap-nao-de-hien-thuc-hoa-uoc-mo-an-cu-khi-gia-nha-o-ngay-cang-leo-thang-a15167.html