Chuyển đổi doanh nghiệp sao cho thành công trong thời kỳ kinh tế biến động?

Điều gì đang kìm hãm bước tiến của doanh nghiệp Việt? Và làm thế nào để không chỉ chuyển đổi số thành công mà còn thực sự tạo nên một “cuộc cách mạng” toàn diện? Thông điệp của CEO Talentnet Tiêu Yến Trinh là hãy bắt đầu từ “WHY” - xác định lý do và mục tiêu - trước khi chuyển sang “WHAT” và “HOW”. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư đúng người, đúng nguồn lực và một chiến lược bài bản sẽ giúp họ bắt kịp và dẫn đầu trong kỷ nguyên số.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới, nơi công nghệ và con người hợp tác, tạo ra sức cộng hưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển vượt bậc nếu biết nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp chuyển đổi thành công. Đây là thông điệp của CEO Talentnet Tiêu Yến Trinh - nhân vật tiên phong trong lĩnh vực tư vấn chiến lược và chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam - mang đến trong chương trình TIME: Bloom Synergy (Tạm dịch: Thời để cộng hưởng thịnh vượng) được thực hiện bởi S-World và dẫn dắt bởi Host Khổng Loan.

Hình ảnh: S-World 

Vị thế đang lên của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khu vực

Khi được hỏi về dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do HSBC đưa ra cho năm 2024 và 2025 với con số 6.5%, bà Trinh nhận định đây là một tín hiệu tích cực. “Trong 5 năm tới, nền kinh tế Việt Nam như một cô gái đẹp, hấp dẫn và đầy tiềm năng”, bà ví von.

Theo bà Trinh, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo của HSBC, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á, chỉ sau Philippines và Indonesia. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.

Việt Nam hiện sở hữu một lợi thế không nhỏ: dân số trẻ và năng động. Gen Z chiếm khoảng 20% tổng dân số. Mỗi năm có khoảng 130.000 sinh viên Việt Nam đi du học, mang theo khát vọng vươn ra toàn cầu. Với đội ngũ thế hệ trẻ này, Việt Nam đang tích lũy kinh nghiệm và tư duy toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển bền vững.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 80%, trong đó 60% người dùng thương mại điện tử mua sắm trực tuyến hàng tuần.

Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, các doanh nghiệp Việt cần phải bước vào hành trình chuyển đổi số và chuyển đổi kinh doanh toàn diện.

Một khảo sát do Talentnet thực hiện với sự tham gia của 65 lãnh đạo cấp cao từ các công ty trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng các công ty nước ngoài tại Việt Nam thường bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ rất sớm. 66% doanh nghiệp đã thực hiện các dự án chuyển đổi số hơn 3 năm qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt mới bắt đầu hành trình này và còn nhiều điều cần học hỏi để đạt được sự trưởng thành trong quá trình chuyển đổi, theo CEO Talentnet.

Nghiên cứu của Talentnet cũng cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài thường nhận được sự hỗ trợ chiến lược, công cụ và phương pháp từ công ty mẹ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng mọi thứ từ đầu, từ trụ sở, chiến lược cho đến các quy trình vận hành.

Do đó, bà Trinh kết luận thành công của chuyển đổi số sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: tối ưu hóa vận hành, tái cấu trúc mô hình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhưng theo bà Trinh, điều quan trọng nhất vẫn là con người - những cá nhân trực tiếp vận hành và thích nghi với công nghệ mới.

56% doanh nghiệp trong khảo sát của Talentnet cho rằng sự thành bại của chiến lược chuyển đổi phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ quản lý cấp trung. Đây là những người có chuyên môn và khả năng thực thi, đảm bảo các hoạt động chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Hình ảnh: Talentnet

Chia sẻ tại chương trình TIME: Bloom Synergy, Tiêu Yến Trinh cũng chỉ ra thêm thiếu sót của nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Đó là không trả lời được câu hỏi “WHY” - lý do căn bản và mục tiêu rõ ràng để bắt đầu dự án. “WHY không chỉ là mong muốn hay xu hướng, mà phải đo lường được”, bà giải thích. Những mục tiêu như tăng hiệu quả vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng hay tạo ra sản phẩm mới đều cần gắn với chỉ số cụ thể, từ tài chính đến phi tài chính.

Khả năng thất bại của dự án thường đến từ giai đoạn thực thi, chứ không phải ý tưởng. Vì vậy, sau khi xác định được “WHY,” doanh nghiệp cần rõ ràng ở bước “WHAT” - cần làm gì để đạt được kết quả và “HOW” - thực hiện ra sao, “WHEN” khi nào và “WHO” ai thực thi. Đặc biệt, yếu tố con người sẽ quyết định thành bại của dự án.

Do đó, nữ CEO cho rằng các doanh nghiệp nên thận trọng khi phân bổ nguồn lực. Nếu đội ngũ hiện tại phải gánh vác thêm các dự án lớn mà không có sự hỗ trợ, tỷ lệ thất bại sẽ rất cao. Khi đó, giải pháp là kết hợp nguồn lực nội bộ với chuyên gia từ bên ngoài, bà Trinh đề xuất.

Mặc dù việc thuê chuyên gia bên ngoài có thể tốn kém, nhưng theo Tiêu Yến Trinh đây là “khoản đầu tư xứng đáng vì sẽ mang lại độ chính xác và chất lượng cao cho các dự án chuyển đổi”.

Con người và máy móc: Cộng hưởng để tạo giá trị vượt trội

Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường học tập liên tục trong doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Bà khuyến khích các lãnh đạo học hỏi từ thế hệ trẻ, những người am hiểu công nghệ và có tư duy mới mẻ, đồng thời truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn cho họ.

Đi sâu vào chủ đề chuyển đổi số trong thời đại mới, bà Tiêu Yến Trinh cho rằng “supercollaboration” là chìa khóa để tạo ra giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp.  Đây là chủ đề được diễn giả James Taylor phân tích tại diễn đàn The Makeover 2024, “supercollaboration” là sự siêu kết hợp giữa con người và máy móc.

Hình ảnh: S-World 

Trong thế giới công nghệ hiện đại, máy móc có thể đảm nhận những nhiệm vụ đơn giản, giúp con người tập trung vào các công việc mang tính sáng tạo và giá trị cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố “trái tim” là điều mà máy móc không thể thay thế.

“Máy móc có thể thay thế con người trong các nhiệm vụ đơn giản, nhưng những công việc liên quan đến cảm xúc và mối quan hệ vẫn cần đến bàn tay và trái tim của con người”, bà Trinh chia sẻ.

Cũng tại sự kiện The Makeover 2024 do Talentnet tổ chức, bà Tiêu Yến Trinh nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nên tập trung đào tạo lại nhân viên để họ không sợ công nghệ, mà thay vào đó, biết cách sử dụng nó để nâng cao hiệu suất công việc. “Chúng ta cần thúc đẩy kỹ năng công nghệ giống như cách chúng ta đã phổ cập tiếng Anh. Điều này sẽ giúp mọi nhân viên cảm thấy tự tin hơn trong hành trình phía trước”, nữ CEO chia sẻ.

Bà Trinh cũng thừa nhận rằng Việt Nam đang trong giai đoạn học hỏi và chọn lọc để áp dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đưa công nghệ vào mà còn phải chuẩn hóa hệ thống và dữ liệu để đảm bảo nền tảng vững chắc.

Chia sẻ với Host Khổng Loan, CEO Talentnet chia sẻ, các doanh nghiệp Việt cần đào tạo lại nhân viên, trang bị cho họ các kỹ năng số mới và khả năng sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Từ đó, họ có thể tạo nên một lực lượng lao động sẵn sàng thay đổi và có đủ năng lực để tham gia vào hành trình chuyển đổi số.

Hình ảnh: S-World - Host Khổng Loan - Đối tác chiến lược, S-World, Nguyên là Phó thư ký toà soạn Forbes Việt Nam

Với bà Trinh, chuyển đổi doanh nghiệp hay chuyển đổi số là một hành trình không thể tránh khỏi. Vì nếu không thay đổi, hậu quả là tụt hậu và thậm chí biến mất khỏi thị trường.

Tham gia chương trình TIME: Bloom Synergy, thông điệp của CEO Talentnet gửi tới các doanh nghiệp là hãy bắt đầu từ “WHY” - xác định lý do và mục tiêu - trước khi chuyển sang “WHAT” và “HOW”. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư đúng người, đúng nguồn lực và một chiến lược bài bản sẽ giúp họ bắt kịp và dẫn đầu trong kỷ nguyên số.

Kim Diệu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chuyen-doi-doanh-nghiep-sao-cho-thanh-cong-trong-thoi-ky-kinh-te-bien-dong-a15075.html