Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 08 – 09/02/2025, cùng sự tham gia của 200 đại biểu chính thức. Trong đó, có 100 đại biểu trí thức trẻ tiêu biểu trong nước và 100 đại biểu trí thức trẻ tiêu biểu Việt Nam đang công tác, nghiên cứu ở nước ngoài.

Diễn đàn nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của thanh niên, thể hiện vai trò tiên phong của tổ chức Đoàn trong việc tạo ra các cơ chế, cách thức hiệu quả, đoàn kết, phát huy lực lượng thanh niên, trí thức trẻ.

Chia sẻ tại buổi Gặp gỡ báo chí ngày 6/12, GS.TS Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổng Thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho biết, Diễn đàn là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029; triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ XII về tập hợp và phát huy trí tuệ của thanh niên, thể hiện vai trò tiên phong của tổ chức Đoàn trong việc tạo ra các cơ chế, cách thức hiệu quả, đoàn kết, phát huy lực lượng thanh niên, trí thức trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

dien-dan-tri-thuc-tre-viet-nam-toan-cau-lan-thu-vi-pld-1733496014.jpg
GS.TS Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổng Thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu chia sẻ thông tin về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.

Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Diễn đàn tập trung thảo luận 4 chuyên đề: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế xanh; thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu; phát triển hạ tầng, đô thị thông minh, kết nối và phát triển vùng.

Trong đó, đáng chú ý có những nội dung như giải pháp nâng cao hiệu suất dạy và học dưới tác động của AI; hành lang pháp lý, quy tắc ứng xử và đạo đức trong ứng dụng AI và các công nghệ mới; cơ hội, thách thức và mô hình kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; an ninh năng lượng; bài toán giảm tín chỉ carbon ở Việt Nam,...

GS.TS Trần Xuân Bách cho biết thêm, 200 đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn là những gương mặt xuất sắc, với học vị từ thạc sĩ trở lên hoặc là nghiên cứu sinh tiến sĩ (không qua thạc sĩ), sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học,... tại các bộ, ban, ngành, trường đại học, học viện, đơn vị nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế. Danh sách chi tiết các đại biểu sẽ được cập nhật, hoàn thành trong tháng 12/2024.

Cũng trong ngày 6/12, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế” nhằm nhằm góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp hướng tới phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và chuyển đổi số y tế tại Việt Nam; nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh niên về nguy cơ của các bệnh mạn tính; xác định các yếu tố nguy cơ hiện nay như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, kém vận động; thảo luận về tiềm năng sử dụng công cụ số trong phát hiện sớm và kiểm soát bệnh mạn tính. 

ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-y-te-pld-1733496014.jpg
Tọa đàm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế”.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia y tế, bác sĩ đã chia sẻ tập trung vào các nội dung như: sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ mới (như: dịch COVID-19, thuốc lá điện tử, sử dụng đường trong đồ uống…); ứng dụng chuyển đổi số trong phát hiện, chẩn đoán sớm các bệnh mạn tính; các giải pháp trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao hiệu suất trong công tác y tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát ung thư cổ tử cung, trong nội soi tiêu hóa…

PGS.TS. Đào Việt Hằng - Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho biết, AI ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế, giúp tầm soát các bệnh lý dễ dàng hơn. Ngoài phim chụp X-quang, nhiều bệnh viện đã có các phần mềm tích hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện chẩn đoán ung thư gan trên CT-Scaner hoặc cộng hưởng từ (như chẩn đoán giai đoạn của ung thư trực tràng).

Trong lĩnh vực tiêu hóa, AI đã giúp nhắc nhở người bệnh uống thuốc, đưa ra các bộ câu hỏi để phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân, tìm các dấu hiệu cảnh báo khi người bệnh có các nguy cơ biến chứng. Từ đó tạo ra kênh kết nối để người bệnh tìm đến cơ sở y tế hoặc các bác sĩ sớm hơn.

Ở lĩnh vực về nội soi và giải phẫu bệnh cũng đã có nhiều sản phẩm giúp chẩn đoán và giảm thiểu sai sót tổn thương tốt hơn. 

Bên cạnh đó là việc sử dụng các smartphone app cho người bệnh hiện đã có một số ứng dụng dành cho bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh nhân viêm gan B… Hoặc trong lĩnh vực tiêu hóa, AI đã giúp nhắc nhở người bệnh uống thuốc, đưa ra các bộ câu hỏi để phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân, tìm các dấu hiệu cảnh báo khi người bệnh có các nguy cơ biến chứng. Từ đó tạo ra kênh kết nối để người bệnh tìm đến cơ sở y tế hoặc các bác sĩ sớm hơn.

Thời gian qua, chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị, và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân. Đặc biệt, trong Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024, đã có hơn 1.000.000 người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).

Hạ Anh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tri-thuc-tre-viet-nam-toan-cau-gop-suc-cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-a15053.html