Công bố 150 tài liệu và hình ảnh quý giá về 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), thực hiện kế hoạch chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước năm 2024, ngày 4/12 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Giới thiệu tài liệu lưu trữ với chủ đề “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Với khoảng gần 150 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ các phông tài liệu hành chính: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Nội vụ, Chủ tịch nước/Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ và khối tài liệu sựu tầm và các phông tài liệu ảnh phông: Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp… tài liệu của các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm về về quân đội như Nhạc sĩ Trọng Loan, Doãn Nho, Trọng Bằng... các nhà văn nhà thơ được đưa ra giới thiệu, là minh chứng quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

trung-tam-luu-tru-quoc-gia-pld-1733298411.jpg
Giới thiệu tài liệu lưu trữ với chủ đề “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Phát biểu tại lễ giới thiệu, ông Trần Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của QĐND Việt Nam. Từ khi ra đời, phát triển, QĐND Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

QĐND Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

“Hiện nay, các tài liệu về QĐND Việt Nam đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III rất nhiều. Đây là những tài liệu gốc, quý giá được các thế hệ cán bộ lưu trữ bảo quản, gìn giữ. Buổi công bố tài liệu lưu trữ  quốc gia “80 năm QĐND Việt Nam” là sự kiện nhiều ý nghĩa nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, đồng thời phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong phục vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” - Phó Cục trưởng Trần Trung Kiên nhấn mạnh.

ong-tran-trung-kien-pld-1733298410.jpg
Ông Trần Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết thêm, những tài liệu được lựa chọn giới thiệu đợt này là tài liệu gốc, nhiều tài liệu lần đầu tiên đưa ra giới thiệu đến công chúng, chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng QĐND Việt Nam. Những tài liệu này không chỉ là minh chứng cho sự trưởng thành của QĐND Việt Nam mà còn là nguồn tư liệu quý giá về các chiến công lịch sử, chính sách quốc phòng và sự cống hiến của quân đội trong công cuộc bảo vệ đất nước.

ba-tran-viet-hoa-pld-1733298410.jpg
Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Theo đó, tài liệu lưu trữ “80 năm QĐND Việt Nam” bao gồm nhiều khối tài liệu tiêu biểu. Trong đó, tài liệu về thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam có nhiều tài liệu đặc biệt như: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12/1944; Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22/12/1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên; ảnh lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) ngày 22/12/1944... 30/4/1975…

Đặc biệt, trong khối tài liệu có nhiều tài liệu đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng với QĐND Việt Nam, gắn liền với nhiều thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước: Mười hai điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy bộ đội làm công tác chính trị trong lúc kháng chiến, năm 1946 - 1947; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc, tháng 1/1947; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947; Lời kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Quốc gia và nhân dân Võ Nguyên Giáp về việc tích cực chuẩn bị tổng phản công năm 1949; Công văn số 400-TTg ngày 23/9/1954 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là “QĐND Việt Nam”…

qdnd-viet-nam-pld-1733298411.jpg
tai-lieu-luu-tru-pld-1733298411.jpg
80-nam-qdnd-viet-nam-pld-1733298411.jpg
Những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được trưng bày và giới thiệu tới công chúng.

Ngoài ra còn có nhiều tài liệu về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và tên gọi, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, lễ phục của QĐND Việt Nam; nhiều tài liệu, hình ảnh về QĐND từ toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946 - 1954 và những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954 - 1975; chính sách, chế độ đối với bộ đội, dân quân; quân đội, quốc phòng thời kỳ hòa bình, đổi mới; pháp luật quân đội; khen thưởng công trạng đối với tập thể, cá nhân trong QĐND Việt Nam; một số tài liệu chủ đề khác như: những hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, những ca khúc được sáng tác trong thời chiến, phục vụ kháng chiến và ca ngợi QĐND Việt Nam.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cong-bo-150-tai-lieu-va-hinh-anh-quy-gia-ve-80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-a15014.html