Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế

Chiều 28/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài/ Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 /2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế”.

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế là xu thế chung và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Hiện ngành này có tổng doanh thu toàn cầu lên tới hàng trăm tỷ USD.

ts-nguyen-anh-tuan-pld-1732800112.jpg
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển ngành kinh doanh này. Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, đến nay Nghị định 06 của Chính phủ vẫn chưa đi vào cuộc sống. Điều này dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 8/4/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đã đề ra nhiệm vụ cho Chính phủ, Bộ Tài chính cần hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Theo Nghị quyết 1035 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chậm nhất năm 2025, phải hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Tại Hội thảo, GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ, Tổng bí thư Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành chấm dứt tình trạng “không quản được thì cấm”. 

“Theo tôi còn có quan điểm "quản được, đã có hành lang pháp lý nhưng một số bộ không muốn thực hiện", điển hình là đặt cược thể thao, gây ra hậu quả tiêu cực, nhiều vụ cá cược bóng đá phi pháp có yếu tố quốc tế của một số tổ chức với sự tham gia của quan chức nhà nước, đầu nậu trong nước và nước ngoài, một số người ham mê cờ bạc, làm thất thoát hàng tỷ USD, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về vốn, nhân lực và công nghệ, thất thu ngân sách nhà nước.

Điều này có thể minh chứng như sau, năm 2018 Quốc hội ban hành Luật Thể dục, Thể thao hợp nhất. Trong đó Điều 67a đã quy định hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao và kinh doanh đặt cược thể thao. Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, thậm chí quy định rất rõ đối tượng áp dụng. Vấn đề là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh” - GS.TSKH. Nguyễn Mại nói.

gstskh-nguyen-mai-pld-1732800112.jpg
GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Với quan điểm như vậy, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, có 4 điểm cần lưu ý: Thứ nhất, về phương thức phân phối vé đặt cược qua điện thoại và Internet, quy định tại Điều 14 và Điều 15 trong dự thảo Nghị định thay thế tách riêng hai phương thức là điện thoại cố định, điện thoại di động và Internet, có lộ trình khác nhau kéo dài đến năm thứ 3 và thứ 4 (đối với đặt cược đua ngựa, đua chó) mới được phép áp dụng là bất hợp lý vì việc sử dụng điện thoại cố định hay điện thoại di động nhắn tin (SMS) là công nghệ đã lỗi thời, hệ thống thiết bị máy chủ và phần mềm đã không còn được sản xuất nữa.

Thứ hai, mức đóng góp 5% doanh thu từ việc thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế là gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp, dẫn đến việc ra kèo trả thưởng rất thấp cho người chơi.

Thứ ba, về quảng cáo quy định: “Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ được phép quảng cáo bằng bảng, biển hiệu trong phạm vi trụ sở chính của doanh nghiệp, trường đua, điểm bán vé đặt cược cố định nhưng phải đảm bảo người bên ngoài không nghe được, không nhìn thấy được nội dung quảng cáo”. Nếu doanh nghiệp không được quảng cáo ra bên ngoài thì làm sao thu hút được đối tượng cá cược bất hợp pháp chuyển sang đặt cược hợp pháp, đặc biệt là đối với kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.

Thứ tư, về chuyển tiếp quy định chưa đầy đủ: Điều khoản chuyển tiếp chưa đề cập đến đối tượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược trước khi Nghị định này có hiệu lực.

Thông tin từ TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang phát triển ở châu Á về cờ bạc, đứng đầu là Philipines. Điều này căn cứ vào các casino và số lượng người chơi casino.

Cơ hội thứ hai là vấn đề thông tin, công nghệ số hỗ trợ. Tiếp theo, pháp lý chúng ta cần tiếp tục quan tâm để cải tiến. Thế giới hiện nay ghi nhận doanh số các trò chơi, hoạt động liên quan đến cá cược là 70 tỷ USD, dự báo tăng lên 141 tỷ USD đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng là 11,5%/năm. Thị trường Việt Nam tiềm năng, song một công ty từ Anh đánh giá doanh thu cá cược Việt Nam (khu vực chính thức và không chính thức) tương đương 3-5% GDP.

“Thách thức là gì? Đó là câu chuyện pháp lý khi Việt Nam quản lý tương đối chặt, nên từ năm 2017 không phát triển được. Chúng ta vẫn coi cờ bạc là xấu. Thực tiễn, đây là nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần và du lịch của chúng ta. Tiếp theo là tính bảo mật. Thứ ba là tính ảnh hưởng đến xã hội, quản lý không tốt gây ra nghiện, lừa đảo, tác động tiêu cực đến xã hội” – TS. Cấn Văn Lực nhận định.

ts-can-van-luc-pld-1732800112.jpg
  TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Theo đánh giá của ông Lê Đại Hải - Phó trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Nghị định này ra đời trước Luật Thể thao, năm 2018 mới đưa vào điều 67a quy định: Đặt cược thể thao là gì, khoản 3 điều này quy định danh mục và quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đặt cược thể thao.

Tiếp theo, Luật Đầu tư có quy định danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có nghĩa bây chúng ta có đầy đủ cơ sở để phá dỡ “ngôi nhà” cũ để xây dựng một nghị định mới trên cơ sở Quốc hội giao riêng về quản lý, chuyên gia công nghệ đã nói rồi.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, trình độ công nghệ ở nước ta rất tốt, không hề thua kém với các nước trên thế giới. “Do đó, tôi ủng hộ làm Nghị định mới. Hiện nay, chúng ta có quy định về phòng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách. Trong đó, nếu có tổ chức nào đó tài trợ kinh phí cho chúng ta nghiên cứu khoan học, nếu sản phẩm đặt hàng ra sản phẩm khoa học thì được, còn nghị định, thông tư thì không được” - Phó trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho hay.

Mai Phương

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/gop-y-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-dat-cuoc-dua-ngua-dua-cho-va-bong-da-quoc-te-a14965.html