Khủng hoảng nghề lập trình viên: Hơn 135.000 người mất việc vì AI, nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh

Trong giai đoạn kinh tế biến động, ngành công nghệ đang chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng trong nhu cầu tuyển dụng lập trình viên, khi hơn 135.000 lao động trong lĩnh vực bị sa thải kể từ tháng 4/2023.

1-1732782947.webp

Anh Florencio Rendon, một công nhân xây dựng, đã quyết định chuyển hướng nghề nghiệp và tham gia khoá đào tạo lập trình với hi vọng tìm được công việc có thu nhập cao và ổn định hơn. 

Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, anh lại không thể xin được một công việc nào dù đã rải đơn xin việc ở rất nhiều công ty lớn nhỏ. Nhưng anh không phải là người duy nhất, luật sư Mal Durham, người đã quyết định chuyển nghề sang lập trình cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi vô vọng tìm công việc trong ngành công nghệ. 

Tại Boston, anh Dan Pickett, người đã từng giúp hàng nghìn học viên tìm việc trong ngành lập trình, cũng buộc phải tạm dừng các khóa học của mình vì tỷ lệ tìm việc giảm từ 90% xuống dưới 60%. 

Theo báo cáo của CompTIA, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên có kinh nghiệm đã giảm 56% so với 5 năm trước, và đối với các công việc không yêu cầu kinh nghiệm lập trình, con số này còn giảm mạnh hơn, tới 67%.

Cơn khủng hoảng mới trong ngành công nghệ

2-1732783048.jpg

Giám đốc Venky Ganesan của quỹ đầu tư Menlo Ventures nhận định đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với lao động ngành công nghệ trong suốt 25 năm qua. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, tư tưởng học lập trình rồi làm việc chăm chỉ không còn hiệu quả như trước. 

Các công cụ AI ngày càng có khả năng viết mã, kiểm tra lỗi và tối ưu hóa các đoạn mã với tốc độ và độ chính xác vượt trội, khiến nhu cầu tuyển dụng lập trình viên giảm mạnh.

Công cụ AI như AlphaCode của Google và Copilot của GitHub đang thay đổi hoàn toàn cách thức phát triển phần mềm. 

Theo khảo sát của StackOverflow, 60% các lập trình viên đã sử dụng các công cụ mã hóa do AI tạo ra. Dù còn mắc một số lỗi, AI đã giúp các nhà phát triển tăng năng suất lên tới 20%

Xu hướng thay đổi nhanh chóng và thách thức với lập trình viên

4-1732783114.jpg

Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng AI sẽ hỗ trợ lập trình viên thay vì thay thế hoàn toàn, nhưng sự thay đổi này đang tạo ra một xu hướng giảm dần nhu cầu đối với những lập trình viên mới vào nghề. 

Các nhà phát triển phần mềm mới vào nghề sẽ gặp phải khó khăn lớn khi không được giao những công việc tạo ra chuyên môn thực sự, vì AI đã thay thế phần lớn các nhiệm vụ đó.

Một thách thức lớn đối với các lập trình viên hiện nay là việc cần phải phát triển kỹ năng nhận diện và sửa lỗi trong các mã code do AI tạo ra. 

Các lập trình viên không còn có thể chỉ dựa vào việc học lý thuyết đơn thuần, mà cần có khả năng giải quyết các vấn đề thực tế mà AI chưa thể xử lý hoàn hảo.

Cần có sự thay đổi trong đào tạo lập trình

3-1732782990.webp

Theo kết quả khảo sát của Microsoft và LinkedIn, 66% giám đốc điều hành cho biết họ sẽ không thuê lao động nếu họ không có kỹ năng về AI, dù vẫn chưa có một tiêu chuẩn rõ ràng về những kỹ năng này. 

Điều này cho thấy, mặc dù AI đang thay đổi nhanh chóng, nhưng nhu cầu về các chuyên gia công nghệ có khả năng quản lý và tối ưu hóa mã code của AI vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Dù vậy, đối với những người như anh Rendon, những thay đổi này có thể đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội nghề nghiệp. 

Sau khi không tìm được việc trong ngành lập trình, anh buộc phải trở lại nghề thợ xây dựng. Câu chuyện của anh là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự biến động không ngừng của thị trường lao động và những thách thức mà người lao động công nghệ đang phải đối mặt trong kỷ nguyên của AI.

Lucia Nguyễn (Theo NYT)

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/khung-hoang-nghe-lap-trinh-vien-hon-135000-nguoi-mat-viec-vi-ai-nhu-cau-tuyen-dung-giam-manh-a14960.html