Hình thức đơn kiện ra sao
Trái với pháp luật Việt Nam, luật pháp Hoa Kỳ cho rằng thông tin về đơn kiện không thuộc trường hợp phải bảo mật nên bất kỳ ai cũng có thể vào website tòa án để xem đơn kiện của người khác. Do đó mấy ngày qua thông tin về đơn kiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã tràn lan trên mạng.
Đơn được ký bởi hai luật sư thuộc Công ty luật Wilshire, đại diện pháp lý của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là Jonathan C. Teller vả Marcelis E. Morris. Ngày ký đơn là 31/10/2024.
Đặc biệt, đơn có ghi rõ “Demand for Jury” (Yêu cầu xét xử theo quy chế Bồi thẩm đoàn). Đó là do trong vụ kiện Dân sự, nếu bạn không yêu cầu xét xử theo quy chế Bồi thẩm đoàn thì khi hai bên không hòa giải được, vụ việc sẽ do Thẩm phán trực tiếp quyết định, lúc đó bạn có muốn yêu cầu Bồi thẩm đoàn xét xử thì cũng không được.
Đơn ghi người bị kiện là Gerald Richard Williams III, thòng thêm câu “Does 1 through 50”. Tức là tạm thời Nguyên đơn kiện Bị đơn, khi nhớ ra thì có quyền kiện thêm 50 người bị kiện hoặc người liên quan khác. Đấy cũng là điểm khác với pháp luật Việt Nam, khi đơn kiện phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người bị kiện và người có liên quan (bạn có thể “phòng hờ”ghi từ 1 đến 1 triệu không hạn chế, nếu không ghi thì sau này bạn muốn bổ sung đối tượng bị kiện cũng không được. Điều này khác với luật Việt Nam khi bạn có thể kiện thêm bất kỳ ai vào bất kỳ khi nào).
Tại sao có việc kiện tụng
Vào tháng 2/2024, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến chơi nhà tỷ phú Gerald Williams III dự một buổi party theo lời mời của ông Gerald và vợ là ca sĩ gốc Việt Bích Tuyền. Trong lúc cao hứng thì ông Hưng nhảy lên bồn phun nước trong vườn nhà để trình diễn. Do bồn phun nước không được thiết kế chắc chắn như một sân khấu nên dẫn đến sự cố bị vỡ, làm ông Hưng bị tai nạn ở ngón chân.
Trở về nước, ông Hưng được ai tư vấn sao đó nên kiện vợ chồng ông Richards vì tai nạn của mình (?!) (sự việc nghe có vẻ rất kỳ lạ ở Việt Nam nhưng là chuyện bình thường ở Hoa Kỳ). Dĩ nhiên là trước đó hai bên thông qua luật sư đã nhiều lần thương lượng hòa giải không thành do số tiền bồi thường ông Hưng đưa ra quá cao và không thực tế, ngay cả với một tỷ phú như ông Gerald.
Theo luật của bang California, thì thời hiệu khởi kiện những vụ kiện kiểu này là hai năm, nên ông Hưng vẫn còn quyền đi kiện.
Kiện cái gì và đòi bao nhiêu
Đơn kiện ghi rõ đây là trường hợp kiện “Personal Injury”, tức là kiện đòi bồi thường do cá nhân bị thiệt hại. Trong đơn thì Nguyên đơn cho rằng mình bị “tổn thương ngón chân nghiêm trọng” dẫn đến phải cắt bỏ (không nói rõ bao nhiêu ngón).
Theo trình bày trong đơn thì Nguyên đơn không nêu số tiền yêu cầu bồi thường cụ thể là bao nhiêu, mà chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong 5 lĩnh vực, số tiền cụ thể không nằm trong đơn kiện mà sẽ xuất hiện trong quá trình luật sư hai bên thương lượng, đó là con số tổng hòa của các yêu cầu bồi thường (theo thông tin, thì ông Hưng yêu cầu bồi thường 15 triệu đôla Mỹ).
Phân tích các yêu cầu kiện
Trong đơn khởi kiện, Nguyên đơn đưa ra 5 yêu cầu bồi thường cụ thể, chúng ta cùng phân tích xem sao.
1/ All past and future medical and incidental expense (Tất cả chi phí y tế trong quá khứ và tương lai)
Được biết, chi phí y tế tại Hoa Kỳ không quá cao cho một vụ tiểu phẫu như trường hợp ông Hưng. Chi phí phẫu thuật tối đa vài trăm ngàn đôla cộng chi phí phòng điều trị hạng sang vài ngàn đôla một ngày. Do đó đây hoàn toàn không phải là trọng tâm tài chính của đơn kiện.
2/ All past and future los of earnings and earning capacity (Tất cả thu nhập nghề nghiệp bị mất trong quá khứ và tương lai)
Nguyên đơn phải đưa ra con số chứng minh thu nhập nghề nghiệp bị mất (cụ thể là từ tháng 2 đến nay và kéo dài một thời gian nữa, thời gian bao lâu do tòa quyết định). Con số này chỉ được chấp nhận qua các hợp đồng biểu diễn đã đóng thuế và tần suất biểu diễn thật sự của ông Hưng trong 06 tháng gần nhất (một tháng diễn được bao nhiêu show). Giả sử với kiểu ký hợp đồng ít tiền (để né thuế) rồi thực nhận cao hơn của showbiz Việt, thì việc chứng minh này của ông Hưng xem ra chắc không được nhiều.
Do đó đây cũng không phải là trọng tâm tài chính của đơn kiện.
3/ All past and future non-economic damages (Thiệt hại ngoài kinh tế trong quá khứ và tương lai)
Đây là yêu cầu cho thiệt hại nào đó “chợt nhớ ra”, yêu cầu này chỉ mang tính phòng hờ và ít khả dụng.
4/ Loss or damage to tangible personal property (Thiệt hại do khủng hoảng tinh thần hay mất khả năng cá nhân do tai nạn)
Đây mới chính là trọng tâm tài chính mà luật sư bên Nguyên đơn nhắm đến. “Mất khả năng cá nhân do tai nạn” có thể hiểu nôm na thế này: Do phải cắt ngón chân nên tôi không thể nhảy “sung” như trước được nữa dẫn đến bị “ít sô” làm thu nhập giảm sút. Mức thiệt hại này là vô chừng, phần lớn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của Bồi thẩm đoàn nên nó có thể rất cao hay rất thấp tùy mức độ nổi tiếng của người được bồi thường. Con số 15 triệu đôla mà Nguyên đơn đề nghị có lẽ phần lớn dựa trên yếu tố này.
Khác với pháp luật Việt Nam, luật Hoa Kỳ không hạn chế số tiền bồi thường thiệt hại tinh thần hay những tổn thất vu vơ, tưởng tượng.
5/ Pre-trial and post-trial interest (Lợi tức bị sút giảm)
Khoản này là lợi tức (thu nhập) bị giảm sút so với trước khi xảy ra tai nạn, việc chứng minh cũng khó tương tự phần (2).
Căn cứ khởi kiện của Nguyên đơn
Để kiện được chủ nhà khi bạn đến chơi và bị tai nạn dù cho chính bạn gây ra, bạn phải chứng minh được điều cơ bản: Chủ nhà có lỗi trong tai nạn đó. Lỗi ở đây là hành vi bất cẩn, cẩu thả của chủ nhà.
Tại đơn kiện, Nguyên đơn ghi rõ lỗi của chủ nhà là: “misusing the foutain as a performance stage and drink table”, tức là “sử dụng sai mục đích bồn phun nước như sân khấu trình diễn và bàn để đồ uống”. Đã rõ, phía Nguyên đơn cho rằng chủ nhà trang trí bồn phun nước giống sân khấu cho buổi party khiến ông Hưng động tâm nhảy lên ca hát múa máy, nên họ có lỗi trong tai nạn của ông (lỗi cẩu thả).
Theo thông tin người viết có được, vợ chồng Bị đơn có lẽ lường trước vụ kiện này nên đã giữ nguyên hiện trường bồn phun nước bị hư hỏng từ tháng 2 đến nay mà không sửa chữa.
Vai trò của Bảo hiểm
Trước khi ông Hưng nộp đơn kiện, luật sư của ông và luật sư bên bảo hiểm căn nhà đã gặp nhau thương lượng ròng rã nhưng không có kết quả.
Căn nhà nơi xảy ra tai nạn trị giá khoảng 22 triệu đôla Mỹ, nên nhiều khả năng đã được chủ nhà mua bảo hiểm. Khi “đụng chuyện” thì luật sư bên bảo hiểm sẽ đứng ra lo liệu toàn bộ. Mức bồi thường chi trả tối đa tại Hoa Kỳ thường nằm ở mức gấp 5 lần giá trị nhà nên chủ nhà có thể đã mua bảo hiểm với mức 100 triệu đôla.
Trong trường hợp ông Hưng thắng kiện và được bồi thường một số tiền thấp hơn yêu cầu của ông (khả năng dễ xảy ra nhất) thì bảo hiểm sẽ chi trả số tiền này. Tại Hoa Kỳ hầu như chưa xảy ra trường hợp nào chủ nhà phải bỏ tiền túi ra bồi thường thêm một số tiền ngoài mức chi trả của bảo hiểm.
Đôi điều đọng lại
Dù cho Nguyên đơn và Bị đơn có mối quan hệ vô cùng thân thiết trước khi xảy ra tai nạn nhưng ở Hoa Kỳ là thế, sòng phẳng và rõ ràng theo pháp luật, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có lẽ đã sớm thấm nhuần được triết lý này, hy vọng ông sẽ không đem về áp dụng ở Việt Nam cho các mối quan hệ của mình.
Một luật sư gốc Việt tại Hoa Kỳ trao đổi với người viết: “Chúng tôi đang nỗ lực soạn thảo một loại văn bản để người được mời đến nhà ký trước khi ghé chơi, trong đó loại trừ mọi trách nhiệm của chủ nhà, trừ trường hợp chủ nhà quá cẩu thả (loại ghi chú này thường xuất hiện trên vé vào cửa các khu giải trí hay rạp hát). Loại văn bản này ít khi được cộng đồng người Việt thực hiện vì tâm lý “ngại”, nhưng qua vụ việc ông Hưng, hy vọng tâm lý cộng đồng sẽ thay đổi”.
Trước vụ việc, có lẽ nhiều người sẽ cảm thán: “Thôi nếu sống ở Mỹ sẽ không mời bạn bè đến chơi nhà”. Điều đó có lẽ đúng nhưng hơi cực đoan, nhất là với những “nhà giàu” luôn là đối tượng nhòm ngó của những kẻ biết cách lợi dụng pháp luật. Bạn cũng không cần phải lo cho vợ chồng tỷ phú Gerald Richard Williams III. Họ có thể thấy buồn vì mất đi một mối quan hệ thân thiết, nhưng với một tỷ phú đầu có sạn ở Hoa Kỳ, khi mời khách đến chơi nhà, có lẽ họ đã biết trước “chuyện này một ngày nào đó sẽ xảy ra”.
Luật sư Nguyễn Hồng Lâm – Trưởng Văn phòng luật sư Đông Du