Dịch bệnh có thể khiến cách hoạt
động ngoài trời của nhiều người dân tại các thành phố lớn phải gián đoạn
nhưng dường như không thể ngăn cản nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt tại các
thành phố lớn, nơi hỗ trợ bởi các nền tảng giao hàng trực tuyến ngày
càng phát triển.
Trong một tháng kể từ khi có thông báo ca bệnh chính thức tại Việt Nam, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hơn bình thường, thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu FMCG trực tuyến lên mức ba chữ số, theo kết quả khảo sát tại bốn thành phố lớn của Việt Nam do Kantar, một công ty chuyên nghiên cứu về ngành hàng tiêu dùng nhanh thực hiện.
Trung bình mỗi người thành phố dành ra khoảng 5 tiếng để online, theo khảo sát của Deloitte 2019 tại bốn thành phố lớn của Việt Nam. Trong đó, nhóm dân số trẻ có xu hướng tiếp nhận thông tin trực tuyến nhiều nhất, đặc biệt thông qua điện thoại thông minh với trung bình dành khoảng 4 tiếng để online. Khi được khuyến cáo ở nhà, nhóm người tiêu dùng trẻ có nhiều thời gian để online, mua sắm. Kantar dự báo, xu hướng mua sắm online dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt là khi chính quyền địa phương đưa ra khuyến cáo tránh mua sắm tiếp xúc trực tiếp.
Đây là thời điểm để doanh nghiệp làm quen nhiều hơn với các nền tảng kết nối từ mạng xã hội, ứng dụng gọi thức ăn đến ứng dụng giao hàng nội đô, đồng thời cũng là thời điểm cho các nền tảng trực tuyến tung ra các dịch vụ mới. Ngày 23.3 vừa qua, ứng dụng Grab cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ GrabMart cho phép người dùng đặt hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại địa bàn TP.HCM. Dựa vào đơn hàng trên ứng dụng, tài xế của Grab sẽ kiêm khách hàng vào siêu thị để mua hàng và thanh toán.
Trước áp lực chi phí, chủ cửa hàng của các chuỗi bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa những mặt bằng lớn từ vài tuần trước khi chỉ thị của Thủ tướng ban hành. Các cửa hàng duy trì bằng cách thu hẹp hoạt động kinh doanh và chuyển hình thức giao hàng online. Nhiều chuỗi nhà hàng lớn nhỏ tại TP.HCM cũng thông báo ngưng phục vụ tại quán và khuyến khích khách hàng đặt online khiến các nền tảng kết nối cũng phát huy tối đa lợi thế.
Có thể thấy rõ nhất là dịch vụ ăn uống tại TP.HCM. Nhiều xe máy giao hàng của các nền tảng gọi thức ăn như GrabFood, GoFood, Baemin, Now, xếp hàng tại những cửa hàng đợi nhận hàng giao cho khách. Với những lĩnh vực cần lượng khách hàng lớn như ăn uống, các hình thức giao hàng trở thành sự hợp tác, chuyển sang cạnh tranh online hoàn toàn trong khoảng 14 ngày kể từ khi Chính phủ ra chỉ thị.
Dâng Phạm
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhu-cau-tieu-dung-khong-dut-gay-a1492.html