Cơ quan quản lý nỗ lực xử lý nhưng vì sao “cát tặc” vẫn lộng hành khắp nơi?

Với sự nỗ lực quản lý hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông, từ đầu năm đến nay nhiệu vụ khai thác cát trái phép đã bị xử lý. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao và sự khan hiếm cát phục vụ cho các công trình xây dựng, cùng với đó là dấu hiệu tiếp tay của các bến bãi vật liệu xây dựng (VLXD) không phép, hết phép nên hoạt động khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra.

Liên tục bắt được “cát tặc”

Ngày 7-3-2024, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội chủ trì cùng Công an huyện Đông Anh và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành trinh sát, mật phục trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh phát hiện phương tiện thủy không kẻ số đăng ký đang hoạt động khai thác cát từ lòng sông Hồng bơm lên khoang chứa hàng, trên tàu có 2 đối tượng đang vận hành hệ thống đầu nổ, ống hút để hoạt động khai thác cát.

Khi tổ công tác yêu cầu những người có mặt trên phương tiện xuất trình giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác cát, giấy tờ liên quan đến phương tiện không kẻ số đăng ký và giấy tờ liên quan. Nhưng cả hai đối tượng trên đều không xuất trình được giấy tờ pháp lý nào liên quan theo yêu cầu của cơ quan công an.

Tiếp đến 22h40 ngày 31-3, trên sông Hồng địa phận giáp ranh giữa xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội và xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, lực lượng chức năng phát hiện 2 phương tiện đang khai thác cát trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, tàu sông in số đăng kiểm VR16043498 có 2 người, tuy nhiên khi phát hiện lực lượng Công an tiếp cận phương tiện, 1 người đã bỏ chạy, người còn lại tên là Trần Ngọc Hà (SN 1983, ở Hưng Yên). Trần Ngọc Hà không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát từ lòng sông.

Còn trên tàu số kiểm soát PT2656 có 3 người, gồm: Nguyễn Văn Dũng (SN 1971), Nguyễn Văn Quân (SN 1996), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1985) cùng trú tại tỉnh Phú Thọ. Nguyễn Văn Dũng xuất trình được đăng ký, đăng kiểm còn hiệu lực, chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Qua kiểm tra, trên 2 tàu có chứa nhiều thiết bị để phục vụ việc khai thác cát trái phép, thu giữ khoảng 700m3 cát.

bat-giu-tau-cat-tac-1730968963.jpg

Các tàu khai thác, vận chuyển “cát tặc” liên tiếp bị bắt giữ

11h30 trưa cùng ngày trên sông Hồng địa bàn giáp ranh giữa xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 1 phương tiện thủy nội địa không gắn số đăng ký, gắn số kiểm soát là VR08016065 đang thực hiện hành vi hút cát trái phép. Kiểm tra phát hiện người điều khiển phương tiện là Đỗ Cao Thùy (SN 1996 ở Phú Thọ) điều khiển phương tiện bỏ chạy ngược dòng về hướng Phú Thọ, chạy được khoảng 200m thì bị bắt giữ. Trong khoang chứa hàng của phương tiện có khoảng 300m3 cát đen.

Ngày 28-5, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Phúc Thọ (Công an TP Hà Nội) tuần tra khu vực sông Hồng thuộc địa bàn xã Vân Hà giáp ranh xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ phát hiện một phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên ba phương tiện. Khi thấy lực lượng Công an, phương tiện đang lấy hàng đã bỏ chạy. Tổ công tác tiến hành kiểm tra bắt giữ phương tiện tàu hút và phương tiện đã lấy đầy cát. Đo đạc sơ bộ, xác định các đối tượng đã khai thác trái phép được khoảng 707m3 cát. Sau đó, các đối tượng cùng tang vật đã bị đưa về Công an huyện Phúc thọ để lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Đến sáng ngày 17-6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chủ trì phối hợp Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) kiểm tra phát hiện, bắt giữ 3 phương tiện thủy có gắn thiết bị, công cụ khai thác cát đang lưu thông trên tuyến sông Hồng thuộc địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cả 3 người điều khiển phương tiện nêu trên không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số cát có trên phương tiện. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc bàn giao cho Công an TP Hà Nội để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Một ngày sau, cũng trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép. Tổ công tác đã đo đạc, sơ bộ xác định các đối tượng đã khai thác trái phép được khoảng 756,6m3 cát. Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Công an huyện Mê Linh đưa phương tiện, tang vật về cảng Sơn Tây để tạm giữ, xác minh, xử lý theo quy định.

Khoảng 20h ngày 17-7, tại địa phận xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra 1 phương tiện tàu hút đang có hành vi khai thác cát trái phép lòng sông Hồng. Trên tàu có Đỗ Văn Dương (SN 1996; điều khiển phương tiện), Đầu Văn Trì (SN 1993; là phụ tàu), Vũ Hùng (SN 1977) cùng trú tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời điểm kiểm tra, trên khoang chứa của phương tiện các đối tượng đã khai thác trái phép được khoảng 220,3m3 cát đen.

Qua đấu tranh, 3 đối tượng đều khai nhận khai thác cát trái phép thuê cho Trần Văn Hiệp (SN 1985) và Trần Văn Toàn (SN 1974) cùng trú tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ số cát sau khi khai thác trái phép đều được đưa về tập kết tại bãi của Trần Văn Hiệp và Trần Văn Toàn tại bờ trái sông Hồng, thuộc địa bàn thôn Đại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, lự lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Trần Văn Hiệp và Trần Văn Toàn. Quá trình khám xét, thu giữ được nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép gồm 2 phương tiện tàu hút, 2 máy xúc, 1 ô tô… cùng khoảng 8.000 m3 cát đen do các đối tượng khai thác trái phép; 1 súng tự chế của Trần Văn Toàn… cơ quan Cảnh sát xác định các đối tượng đã thực hiện khoảng trên 340 chuyến khai thác, tương đương hơn 65.000m3 cát, thu lời bất chính trên 2 tỷ đồng.

Ngày 18-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự 8 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

cat-tac-1730968963.jpg

Sau khi “ăn no cát” các tàu “cát tặc” thường di chuyển vào các bến bãi VLXD gần đó để “nhả hàng”.

Ngày 13-8, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì phối hợp Công an huyện Đan Phượng (Công an TP Hà Nội) và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trinh sát, mật phục trên tuyến sông Hồng tại địa phận xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng phát hiện, bắt giữ phương tiện thủy đang hút cát từ lòng sông Hồng bơm lên khoang chứa hàng của phương tiện tàu chở hàng.

Trên phương tiện thủy có gắn thiết bị bơm, hút cát, có 2 người, gồm: Trịnh Xuân Anh (SN 1993; ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) và Trần Việt Chanh (SN 1992; ở huyện Đông Anh, Hà Nội), không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Trên phương tiện thủy tàu chở hàng có 3 người, gồm: Trần Văn Dương (SN 2000), Đinh Thị Lan Anh (SN 2003) và Nguyễn Văn Cảnh (SN 1996) cùng ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; có xuất trình 1 giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa, 1 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường số đăng ký NB-8726.

Ngoài ra, không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, giấy tờ khác liên quan tới phương tiện, giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Tại thời điểm kiểm tra, khối lượng cát trong khoang chứa hàng phương tiện thủy tàu chở hàng khoảng 200m3.

Rạng sáng 21-8, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) chủ trì, phối hợp Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Công an huyện Đông Anh tổ chức kiểm tra, bắt giữ 2 phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa phận xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Trên phương tiện lắp đặt thiết bị bơm, hút cát đang thực hiện hút cát từ lòng sông Hồng lên khoang chứa hàng của phương tiện (có khoảng 200m3 cát) và bơm cát sang khoang chở hàng của phương tiện thủy chở hàng, phương tiện này có khoảng 400m3 cát.

Qua làm việc, cả 6 người có mặt trên 2 phương tiện đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ ban đầu, tạm giữ 2 phương tiện, thiết bị liên quan và khoảng 600m3 cát để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Đêm ngày 25-9, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông -  Công an TP Hà Nội) chủ trì phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trinh sát, mật phục trên tuyến sông Hồng tại địa phận xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, phát hiện, bắt giữ một phương tiện thủy gắn số kiểm soát VR07033693 (trên phương tiện có gắn thiết bị bơm, hút cát) đang hút cát từ lòng sông Hồng bơm cát sang khoang chứa hàng của phương tiện tàu chở hàng gắn số đăng ký VP-1959. Tại thời điểm kiểm tra, trên khoang chứa hàng phương tiện VP-1959 có khoảng 200m3 cát. Tổ công tác đã lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật và đưa hai phương tiện về nơi tạm giữ để xác minh, xử lý.

Có dấu hiệu tiếp tay của bến bãi không phép, hết phép

Với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhiều biện pháp xử lý, ngăn chặn cũng như tổ chức tuyên truyền, đồng thời kiên quyết đẩy lùi tội phạm khai thác cát trái phép trên địa bàn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến đường thủy nội địa đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, trong khoảng 10 tháng đầu năm 2024, các cơ quan quản lý như Đội cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cảng vụ đường thủy nội địa Hà Nội, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) kiểm tra 67 lượt cảng, bến thủy nội địa trên tuyến, Trong đó, xử lý 16 trường hợp vi phạm với 20 lỗi, phạt thành tiền trên 300 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm cụ thể như tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định. Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, nguồn gốc hợp pháp. Không bố trí đủ thiết bị PCCC, bố trí thiếu đèn chiếu sáng ban đêm theo quy định.

ben-mai-lam-1730969036.jpg

Hoạt động của “tổ hợp” khu vực bến thủy Mai Lâm 1 thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Nội.

Ngoài ra, đã trực tiếp xử lý 08 trường hợp phương tiện neo đậu để xếp dỡ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động, phạt thành tiền gần 200 triệu đồng (về hành vi neo đậu bốc xếp tại các vị trí chưa được công bố, mua bán, vận chuyển khoảng sản không có nguồn gốc và các hành vi liên quan đường thủy nội địa).

Qua các số liệu trên cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực tuyên truyền, phát hiện xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay xử lý dứt điểm hoạt động của các bên bãi VLXD không phép, hết phép để tránh các bến bãi này vô tình hay cố ý tiếp tay cho cát tặc lộng hành.

Hoàng Pháp – Tiến Dũng

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-quan-quan-ly-no-luc-xu-ly-nhung-vi-sao-cat-tac-van-long-hanh-khap-noi-a14810.html