Nghĩa đồng bào
Hiện tại nước trên các sông ở Quảng Bình đang xuống, nhưng rất chậm. Tại các vùng ngập lụt, nước lũ rút dần, nhưng có mưa. Cả tỉnh Quảng Bình hiện còn gần 33.000 hộ dân bị ngập lụt, nhiều nơi bị chia cắt. Đây là số hộ ở vùng rốn lũ các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Nhiều nhất là huyện Lệ Thủy với gần 19.800 nhà bị ngập, trong đó hơn 8.000 nhà ngập sâu trên 1 mét. Nhiều vùng bị mất điện, dù chủ động chuẩn bị từ trước nhưng do nước lũ dâng quá nhanh, nhiều gia đình trở tay không kịp.
Nhiều ngày nay, nhiều nơi bà con không thể nấu ăn, phải san sẻ từng miếng ăn, chút nước sạch. Tại các vùng ngập lụt, người dân đã chủ động hỗ trợ nhau ứng phó với mưa lũ. Nhiều nơi đã quen sống chung với lũ lụt, dân làng giúp nhau di chuyển đến những nhà cao kiên cố để tránh lụt. Những gia đình ở vùng thấp lụt đến ở tạm những gia đình nhà cao. Bà con ở vùng lũ giúp nhau, sống với nhau bằng tấm lòng, cùng nhau vượt lũ...
Hiện tại Quảng Bình đã di dời gần 1.250 hộ dân với gần 3.700 khẩu đến nơi an toàn. Hơn 9.100 hộ dân giúp nhau sơ tán tại chỗ. Ông Nguyễn Văn Vui, ở xã Cam Thủy cho hay, bà con vùng lũ rất ý thức trong việc phòng tránh, chủ động ứng phó với thiên tai. “Bà con chủ động giúp nhau những lúc lũ to, sóng lớn. Người dân được chính quyền, địa phương, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão hướng dẫn di chuyển những hộ khó khăn đi trước, hỗ trợ nhau di chuyển người dân, vật dụng lên nơi cao ráo. Xã, thôn, ban mặt trận làm công tác cứu hộ, cứu nạn đảm bảo tốt”.
Đến ngày 30/10, cả tỉnh Quảng Bình còn 58 thôn bị chia cắt. Trên các tuyến giao thông, còn 43 điểm bị ngập lụt. Chính quyền địa phương tổ chức các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ, tổ chức lực lượng, ghe, xuồng đưa lương thực, thực phẩm thiết yếu hỗ trợ bà con vùng lũ.
Hiện có nhiều đội tình nguyện, các đoàn thiện nguyện từ các tỉnh thành ở các miền Bắc, Trung, Nam vượt đường xa, mưa lụt mang hàng hóa, lương thực, thực phẩm, áo phao, phương tiện cứu hộ hỗ trợ người dân vùng ngập lụt. Có mặt trong những ngày đầu khi lũ vừa về, Nhóm 1A- Team Điều Hành cứu trợ - Cứu trợ Quảng Bình đã làm việc cũng chính quyền và đã đưa Cano, hàng cứu trợ đến người dân trong những ngày nước tràn ngập làng mạc. Những ngày qua, nhóm đã “quần quật” áo quần ướt sũng, rét run trong dòng nước bạc để giúp đỡ những người dân vùng lũ. Nhóm 1A cũng đến nhiều vùng trong đất nước, nhưng vì trách nhiệm cùng cộng đồng họ đã hiệu triệu bao tấm lòng để cùng chính quyền giúp đỡ người dân vượt qua cơn bão lũ...
Nhóm đã sắp xếp, phân chia nhau ưu tiên hỗ trợ bà con những nơi đang bị thiệt hại nặng nhất và ngập sâu. Đồng hành trợ địa phương thuyền, bè trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các lực lượng cứu hộ, rất nhiều tấm lòng hảo tâm của bà con khắp nơi đang hướng về đồng bào vùng ngập lụt Quảng Bình, chung tay giúp họ vượt qua những ngày khó khăn trong thiên tai. Các đơn vị, địa phương, các lực lượng cứu hộ cùng nhiều đoàn thiện nguyện khẩn trương tiếp cận vùng lũ, hỗ trợ bà con bị ngập lụt. Những thùng nước, cùng thức ăn đã đến được cùng bà con vùng lũ, với mục tiêu “không để bất cứ người dân nào bị đói do ngập lụt.
Làm tốt công tác 4 tại chỗ... không để dân đói
Liên quan đến công tác điều phối hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm gửi đến người dân vùng lũ Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương đã bố trí 2 điểm tập kết tiếp nhận hàng hóa của nhà hảo tâm và huy động một số thuyền của người dân để đưa hàng cứu trợ vào nơi bị ngập lụt. Đồng thời, đã huy động 10 thuyền của ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt.
Trước mắt, sẽ huy động 3 thuyền tham gia hỗ trợ cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng “rốn lũ”. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020. Toàn huyện vẫn còn hơn 19.700 nhà dân ngập nước; khoảng 305ha hoa màu, 41.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, một số diện tích nuôi tôm, cá lóc ở 2 xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy bị thiệt hại; các tuyến đường giao thông bị ngập lụt sâu, chia cắt, sạt lở; nhiều tuyến kênh mương, đê bao bị sạt lở, hư hỏng…
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện Quảng Ninh cũng cho biết, trong 2 ngày qua, trên địa bàn huyện Quảng Ninh xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to đã làm 12.123 ngôi nhà của người dân bị ngập. Trong đó, xã Duy Ninh ngập 1.985 nhà, xã Tân Ninh 1.842 nhà, xã An Ninh 1.062 nhà, xã Hiền Ninh 1.813 nhà và xã Võ Ninh ngập 1.800 nhà…
Công an huyện Quảng Ninh đã huy động 350 cán bộ, chiến sĩ, 15 phương tiện trực tiếp có mặt ở những nơi ngập lụt sâu để phối hợp với chính quyền địa phương di dời người dân đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Ninh cũng đã điều động 3 xuồng cao tốc, hơn 20 cán bộ trực tiếp ứng cứu, phục vụ công tác chỉ huy và giúp đỡ nhân dân, điều hơn 300 dân quân cơ động tại chỗ ở các xã thị, trấn để hỗ trợ, giúp đỡ di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi tránh trú an toàn. Theo báo cáo của huyện Quảng Ninh, hiện vẫn còn hơn 12.000 nhà dân bị ngập lụt, mất điện, giao thông chia cắt, phải đi lại bằng thuyền...
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã làm tốt công tác '4 tại chỗ', những ngày qua người dân đều an toàn, đủ lương thực thực phẩm. Huyện đang lập 4 đoàn đưa nhu yếu phẩm nước uống về cứu trợ các thôn bị ngập sâu chia cắt và thăm hỏi các gia đình có người chết do lũ lụt”.
Hiện tại, Quảng Bình trời vẫn đang mưa, nước rút chậm... quân dân vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh đang căng mình chống lũ...
Lệ Thuỷ
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-binh-muc-tieu-khong-de-nguoi-dan-nao-bi-doi-a14753.html