Là nhân tố đứng giữa trong bộ tiêu chí ESG (Environmental - Social - Governance), chữ S có ý nghĩa là sự cam kết của các doanh nghiệp đối với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, trước hết là người lao động của từng đơn vị. Với một thị trường có thế mạnh về nguồn nhân lực như Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để định hình chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao nỗ lực của báo Dân trí trong việc góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã nhấn mạnh phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
“Nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã tập trung trao đổi, thảo luận về mối liên quan giữa ESG với việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững, cách thức xây dựng chiến lược nhân sự tập trung vào ESG và tiêu chuẩn đo lường hiệu quả bài toán đầu tư nhân lực trong triển khai ESG.
Nói về xu hướng ESG toàn cầu, TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trách nhiệm xã hội trước đây là khuyến khích thì nay đã chuyển sang bắt buộc.
Trong báo cáo năm 2023, có 96% các công ty G250 báo cáo về các vấn đề bền vững hoặc ESG; 64% các công ty G250 coi biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh. Ông Minh nêu 7 thành tố trọng tâm của chữ “S” trong ESG, bao gồm: (1) Sức khỏe và sự gắn kết của nhân viên bao gồm môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, toàn diện và mức lương cạnh tranh, phúc lợi, phát triển và đào tạo nhân viên. (2) Đa dạng và hòa nhập, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. (3) Quyền con người và tiêu chuẩn lao động bao gồm duy trì các tiêu chuẩn cao về quyền con người và thực hành lao động, thực hành lao động công bằng, cấm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức...
(4) Quan hệ cộng đồng và tác động biểu hiện qua sáng kiến tham gia và từ thiện. (5) Minh bạch và công khai thể hiện qua báo cáo thường xuyên về các chỉ số xã hội chính, lộ trình và mục tiêu với các dữ liệu thuyết phục. (6) Sự hài lòng của khách hàng và quyền riêng tư dữ liệu thể hiện qua việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. (7) Quản lý chuỗi cung ứng và nguồn cung ứng có trách nhiệm biểu hiện qua sự hợp tác với các nhà cung cấp thực hiện hoạt động có trách nhiệm; Đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu trách nhiệm xã hội; Giải quyết các vấn đề như quyền lao động và hành vi đạo đức.
Từ những yếu tố trên, TS. Bùi Thanh Minh nêu những thách thức thực hành chữ “S” như khó khăn trong việc định lượng; thiếu các hướng dẫn và quy định chung; tủi ro vi phạm quyền riêng tư; kỳ vọng của các bên liên quan khác nhau. Trong quá trình thực hành chữ “S” theo tiêu chuẩn ESG, ông Minh cho rằng ESG có những cấp độ khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp muốn thực hành theo tiêu chí này phải xác định rõ điểm xuất phát, mục đích, đặc thù ngành nghề của mình…
Theo TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup), khi nói đến ESG, chúng ta chủ yếu nối về yếu tố môi trường (E), quản trị (G) và ít nhắc đến yếu tố xã hội (S). Bà Hà cho rằng, trọng tâm của “S” trong ESG thể hiện qua trách nhiệm xã hội, nhân sự bền vững và đảm bảo phúc lợi, hạnh phúc, an toàn lao động.
Lợi ích của việc tạo dựng nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là doanh nghiệp sẽ gia tăng năng suất, gắn kết đội ngũ, và cải thiện hình ảnh và thương hiệu. Rộng hơn, việc phát triển nhân lực bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho lực lượng lao động.
Bên cạnh lợi ích, TS. Lê Thái Hà cũng chỉ rõ những thách thức trong việc tạo dựng nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là dễ gây áp lực tài chính nhưng khó đo lường hiệu quả ngay lập tức.
Cũng tại Hội thảo, Báo Dân trí đã chính thức mở cổng đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng ESG. Thời gian đăng ký từ 30/10 - 30/11. Sau đó, Hội đồng chuyên gia và Ban giám khảo sẽ đánh giá tổng thể và chi tiết, chọn ra các doanh nghiệp xuất sắc trong từng lĩnh vực Môi trường, Xã hội và Quản trị để trao giải.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/xay-dung-nhan-luc-ben-vung-theo-dinh-huong-esg-a14741.html