Trong kỷ nguyên số, sự chuyển mình nhanh chóng của công nghệ đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, với việc các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về kỹ năng và năng lực của đội ngũ nhân sự, đòi hỏi một chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số hiệu quả và bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Giang Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh, mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng với trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số mà Chính phủ Việt Nam mong muốn hướng đến năm 2030 phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tạo không gian kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về nguồn nhân lực số cũng như chiến lược đào tạo cho người lao động năng lực làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội thảo đã nhận được 44 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý khắp cả nước về các chủ đề: Nghiên cứu khung năng lực cần thiết của nguồn nhân lực số tại mỗi quốc gia; Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nguồn nhân lực số với chiến lược phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia; Thực trạng và các giải pháp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số tại Việt Nam đến năm 2030; Kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi; Nguồn nhân lực số cho một số ngành tiên phong của kinh tế số (thương mại điện tử, công nghiệp bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn,...)…
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đây là lĩnh vực cần có kiến thức rộng, bao trùng kiến thức về kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ... nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài; các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực. Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học trở thành giải pháp căn cơ cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thương mại điện tử trong tương lai.
Theo ThS. Tân Anh – Trưởng Ban phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Chiến lược phát triển nhân tài số của Việt Nam được đặt ra trong bối cảnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030) với mục tiêu xây dựng một xã hội thông minh, bền vững. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài số. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược này là xây dựng một đội ngũ nhân lực có khả năng vận dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực.
Hoàng Thảo
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chien-luoc-dao-tao-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-so-hieu-qua-va-ben-vung-a14673.html