Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) hiện tại hoạt động ở 03 mảng chính, gồm: thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí. Trong thời gian hoạt động, VIRESA đã thực hiện vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện môn thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí phát triển rộng khắp, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, trọng tài, huấn luyện viên và một số công tác chuyên môn khác; thành tích thi đấu quốc tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Sự phát triển của thể thao điện tử trong những năm gần đây là thành quả từ những nỗ lực của các tuyển thủ, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng tầm vị thế của môn thể thao này với các môn thể thao phổ biến khác. Điển hình là việc thể thao điện tử trở thành bộ môn thi đấu chính thức tranh huy chương tại 03 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á liên tiếp bao gồm SEA Games 30 tại Philippines, SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia.
Các Câu lạc bộ thể thao điện tử chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức rất thường xuyên và đang dần hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng, hướng tới giải đấu chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 bộ môn thể thao điện tử phổ biến, có hệ thống giải đấu ở đủ các cấp độ từ giải cộng đồng, phong trào, giải sinh viên, bán chuyên và chuyên nghiệp với tổng cộng khoảng 40 Câu lạc bộ (Đội tuyển) chuyên nghiệp đã và đang hoạt động, tham gia thi đấu tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
Trong các giải thể thao điện tử do Hội tổ chức hoặc giao các đơn vị hội viên tổ chức, Điều lệ giải và Luật thi đấu cũng như các văn bản, quy chế, quy định khác đều được xem xét ban hành đầy đủ, đảm bảo cả về chuyên môn và tính pháp lý. Hệ thống các giải đấu (ở một số nội dung) trong nước và quốc tế tại Việt Nam ngày một gia tăng và ổn định; công tác tổ chức giải được chú trọng hơn và dần đi vào chuyên nghiệp; trình độ của các vận động viên được nâng cao rõ rệt. Hàng năm, các vận động viên thể thao điện tử ở một số nội dung tham dự các giải thi đấu quốc tế trung bình khoảng 4 lần/năm/bộ môn đã giúp cho trình độ và đẳng cấp của các vận động viên được nâng lên, góp phần tạo dấu ấn Việt Nam ngày càng tích cực hơn trên đấu trường quốc tế.
Song hành cùng thể thao điện tử, Hội cũng chủ động kết nối các nguồn lực, tập trung phát triển vũ đạo thể thao giải trí (Breaking, Hip hop, các bộ môn vũ đạo khác….), phát triển phong trào ở một số tỉnh thành, trong học sinh sinh viên; xây dựng sách hướng dẫn tập luyện và nghiên cứu cơ bản về kỹ thuật. Đáng chú ý, VIRESE là một trong những Hội tiên phong triển khai thi đấu thể thao thể chất số (Phygital sports).
Hướng tới nhiệm kỳ IV, nhằm phát triển đúng hướng theo chuyên nghiệp, quy tụ các nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng, phát triển phong trào thể thao điện tử giải trí rộng khắp cả nước và nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên Việt Nam tại đấu trường quốc tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, VIRESA đặt ra một số mục tiêu và định hướng như: Củng cố và nâng cao vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý thể thao điện tử và thể thao giải trí tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút nhiều hơn nguồn lực tham gia, tạo thành sức mạnh tổng thể, hiện thực hoá các tiềm năng lớn và khả thi tại Việt Nam, tiên phong và đi đầu trong các phong trào thể thao thế hệ mới trên thế giới.
Nâng cao thành tích ở cấp độ quốc gia, qua đó khẳng định vị thế của nền Thể thao điện tử và Thể thao giải trí Việt Nam với khu vực cũng như thế giới. Phát triển thể thao điện tử, thể thao thể chất số, vũ đạo thể thao giải trí rộng khắp trên toàn quốc, trong đó có hoạt động tại các trường học dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, hướng tới mục tiêu đưa thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí vào các sự kiện lớn quy mô toàn quốc.
Quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên; hình thành hệ thống thi đấu phong trào cũng như chuyên nghiệp, từ đó phát hiện và bổ sung lực lượng vận động viên cho các đội tuyển quốc gia.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí thế giới, châu lục và hợp tác song phương với các nước phát triển mạnh. Tiên phong, chủ động đăng cai để Việt Nam trở thành Trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế về thể thao điện tử của khu vực châu Á và thế giới.
Tại Đại hội, các đại biểu tham dự đã thống nhất bầu ra 41 ủy viên Ban Chấp hành, trong đó có 13 ủy viên Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra gồm 03 Uỷ viên. Ban chấp hành và Ban Kiểm tra đã họp bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, ông Đỗ Việt Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ IV (2024 - 2029). Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV cũng đã thống nhất mời Ông Nguyễn Xuân Cường làm Chủ tịch danh dự của Hội.
Thay mặt Ban lãnh đạo VIRESA, tân Chủ tịch Đỗ Việt Hùng bày tỏ: “Với mô hình tổ chức, nhân sự thể hiện được tính đại diện, bao quát các lĩnh vực, chúng tôi tin tưởng các thành viên trong BCH nhiệm kỳ IV sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra”.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-do-viet-hung-lam-tan-chu-tich-hoi-the-thao-dien-tu-giai-tri-viet-nam-a14672.html