Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức đã góp phần tạo ra bản sắc riêng có của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội.
Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến địa phương với 156 hội thành viên, trong đó có 93 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 500 tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc. Liên hiệp Hội Việt Nam có Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống và gần 70 cơ quan tạp chí trong hệ thống.
Báo cáo về công tác Phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Hồng - Phó trưởng ban Truyền thông và phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, giai đoạn 2020 - 2024, hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức đã có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, mặc dù sau khi quy hoạch báo chí toàn quốc, các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có sự thay đổi khá nhiều về hình thức tổ chức và số lượng, tuy nhiên với sự tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có những bước chuyển mình, đã không ngừng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong các ngành, lĩnh vực giúp nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng tính thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân trên khắp vùng miền đất nước.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam luôn chú trọng và đẩy mạnh phổ biến kiến thức qua xuất bản phẩm. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Nhà xuất bản Tri thức đã xuất bản khoảng 700 đầu sách (Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới, Tủ sách Tri thức phổ thông và các tủ sách khác). Với việc triển khai loại hình xuất bản điện tử bên cạnh xuất bản sách giấy truyền thống, Nhà xuất bản Tri thức đã góp phần cung cấp cho bạn đọc trong cả nước kiến thức từ phổ thông, đơn giản đến những tri thức tinh hoa có giá trị học thuật cao, được bạn đọc đón nhận.
Các hội thành viên cũng thường xuyên biên soạn và xuất bản một số lượng lớn các loại sách chuyên ngành, sách tham khảo, tài liệu, tờ rơi nhằm phổ biến kiến thức cho hội viên và người dân, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống, trợ giúp pháp lý, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm gần đây, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ các hội thành viên xuất bản các ấn phẩm, cuốn sách có giá trị của hội. Mặc dù số lượng còn ít nhưng cũng đã góp phần cổ vũ, động viên các hội thành viên đẩy mạnh hoạt động xuất bản, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức và trí tuệ, xây dựng kho tàng tri thức của Việt Nam.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam còn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí, truyền thông và phổ biến kiến thức cho các hội thành viên. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ khoảng gần 100 lượt hội thành viên với tổng kinh phí là 6 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị.
Các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã tổ chức hàng nghìn hội thảo, tập huấn cho hàng triệu lượt người (giai đoạn 2015 - 2020, số lượng tọa đàm là 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho 13 triệu lượt người tham gia ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền trên cả nước). Thông qua các chương trình này, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã bền bỉ, thường xuyên, liên tục cung cấp, phổ biến các kiến thức khoa học, kỹ thuật của nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho người dân góp phần cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Bích Hồng cũng cho biết, mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: các chương trình, hoạt động phổ biến kiến thức chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống. Vì thế chưa tạo được tác động rõ nét và sâu rộng trong xã hội.
Đối với Liên hiệp Hội Việt Nam, là cơ quan trung ương có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết sức sáng tạo, kết nối các hội thành viên, do hạn chế về kinh phí và nhân sự vận hành, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng chưa triển khai mạnh mẽ cũng như thể hiện được vai trò khâu nối, đầu mối tổng hợp, huy động nguồn lực và sức đóng góp của các tổ chức, các nhà khoa học trong hệ thống, xây dựng các chương trình có tính chất liên ngành, ở phạm vi rộng, quy mô lớn, từ đó tạo ra các tác động rõ nét góp phần nâng cao dân trí và phát triển nền khoa học và công nghệ quốc gia.
Đề xuất một số giải pháp cho công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung và Liên hiệp Hội TP Hà Nội nói riêng, TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Hội TP Hà Nội cho rằng, Liên hiệp hội và các Hội thành viên cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến kiến thức trong cả nhiệm kỳ và từng năm, chú trọng tuyên truyền về tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời tuyên truyền ngăn chặn những sản phẩm, công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan để có nguồn lực thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên trao đổi cung cấp thông tin khoa học và kỹ thuật giữa Liên hiệp Hội và các hội thành viên, phục vụ đời sống sản xuất của nhân dân. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các chuyên trang chuyển giao khoa học công nghệ và kết nối tri thức giữa chuyên gia, các nhà khoa học giải đáp và tuyên truyền trực tiếp các kiến thức theo nhu cầu của nhân dân.
Chủ động đăng ký các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức với Liên hiệp Hội Việt Nam. Thường xuyên cập nhật các thông tin, tài liệu tuyên truyền mới về khoa học kỹ thuật của Liên hiệp Hội để phổ biến đến hội thành viên và nhân dân. Chú trọng đổi mới hoạt động truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, huy động đông đảo các nhà báo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí tham gia.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân rộng các mô hình sản xuất mới đã được thử nghiệm thành công; tranh thủ, tận dụng nguồn nhân lực là trí thức, nhà khoa học..., huy động nguồn kinh phí đảm bảo phục vụ hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cá nhân, tập thể có sáng kiến, cống hiến cho hoạt động phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội.
Mai Phương