Khoảng 33.000 công nhân, chủ yếu làm việc tại tiểu bang Washington, đã ngừng làm việc từ ngày 13 tháng 9.
Cuộc đình công này đã ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất các dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, bao gồm 737 MAX và các dòng máy bay thân rộng như 767 và 777, khiến công ty thêm phần lao đao về tài chính.
Theo công đoàn Hiệp hội công nhân máy móc và hàng không vũ trụ quốc tế chi nhánh 751, đề xuất mới nhất từ phía Boeing bao gồm khoản tiền thưởng phê chuẩn 7.000 đô la, khôi phục chương trình khuyến khích và tăng cường đóng góp vào quỹ hưu trí của nhân viên, bao gồm khoản đóng góp một lần 5.000 đô la cộng với mức đóng góp tối đa 12% từ phía chủ lao động.
Boeing bày tỏ kỳ vọng rằng nhân viên sẽ chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, sau khi đề xuất ban đầu bị từ chối một cách áp đảo, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng người lao động sẽ chấp thuận đề xuất mới.
Cuộc đình công không chỉ gây gián đoạn sản xuất của Boeing mà còn lan rộng ra nhiều nhà cung cấp lớn của hãng, điển hình là Spirit AeroSystems, đơn vị đã phải thông báo cho hàng loạt công nhân nghỉ phép do tình trạng đình trệ sản xuất kéo dài.
Vào tuần trước, Boeing đã rút lại đề nghị tăng lương 30% trong vòng bốn năm sau khi các cuộc đàm phán với sự tham gia của các nhà hòa giải liên bang không mang lại kết quả.
Công đoàn ban đầu yêu cầu mức tăng lương 40% và khôi phục chế độ lương hưu phúc lợi xác định, tuy nhiên điều này không được đưa vào trong đề xuất hợp đồng mới.
Các lãnh đạo công đoàn tại Seattle cho biết, dù vẫn còn một số ý kiến bất đồng từ những công nhân lớn tuổi yêu cầu khôi phục chế độ lương hưu xác định, họ tin rằng đa số thành viên sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận mới.
Trước đó, vào tháng 9, gần 95% công nhân tại Bờ Tây đã từ chối một thỏa thuận tạm thời về mức tăng lương 25% trong bốn năm, bất chấp sự ủng hộ từ phía lãnh đạo công đoàn.
Đề xuất đó cũng bao gồm khoản tiền thưởng 3.000 đô la khi ký hợp đồng, tuy nhiên nhiều công nhân cho rằng con số này quá thấp so với những thỏa thuận trước đây vốn có khoản thưởng tối thiểu là 5.000 đô la.
Sự tham gia của Quyền Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ, Julie Su, cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán. Bà Su đã trực tiếp có mặt tại Seattle vào tuần trước để hỗ trợ nỗ lực đạt được thỏa thuận giữa hai bên và đã quay trở lại vào tối thứ Năm sau một chuyến đi đến Detroit để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội, công đoàn bày tỏ sự lạc quan về thỏa thuận mới, khẳng định rằng “đề xuất này xứng đáng để công nhân cân nhắc”.
Cuộc đình công kéo dài năm tuần này dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo việc làm tháng 10 của Hoa Kỳ, được công bố chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.
Các nhà kinh tế ước tính rằng đình công và các đợt sa thải tạm thời tại các nhà cung cấp của Boeing có thể đã khiến hơn 50.000 việc làm bị loại khỏi bảng lương phi nông nghiệp trong tháng này.
Boeing, hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau sự cố liên quan đến máy bay 737 MAX 9 của Alaska Airlines, cũng đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm 17.000 việc làm vào tuần trước.
Đồng thời, hãng đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu trị giá 25 tỷ đô la trong vòng ba năm tới, cũng như đạt thỏa thuận tín dụng trị giá 10 tỷ đô la để củng cố tài chính.
Dù thỏa thuận lương mới có thể chấm dứt cuộc đình công hiện tại, tương lai của Boeing vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ các vấn đề an toàn hàng không đến áp lực tài chính và các cuộc điều tra của Cục Hàng không Liên bang (FAA).
Sự kiện này không chỉ là phép thử cho quan hệ lao động tại Boeing mà còn có thể tạo tiền lệ cho các ngành công nghiệp khác đối mặt với những xung đột lao động tương tự.
Lucia Nguyễn (The Reuters)