Thực trạng quản lý, sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong công tác đấu thầu: Ghi nhận tại PC Mỹ Đức

Trong những năm qua, Công ty Điện lực Mỹ Đức (PC Mỹ Đức) đã đầu tư hàng tỷ đồng vào việc cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng lưới điện, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn tại PC Mỹ Đức vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần xem xét nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo đầu tư minh bạch và hiệu quả hơn.

Trong quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đấu thầu nâng cấp cơ sở vật chất và phát triển hệ thống mạng lưới điện được coi là một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Hệ thống điện năng đóng vai trò là xương sống của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác nhau. Đấu thầu không chỉ giúp đảm bảo rằng các dự án nâng cấp và phát triển được thực hiện một cách hiệu quả, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu suất của hệ thống điện quốc gia.

Đấu thầu không chỉ đơn thuần là tìm kiếm giá trị tốt nhất trong việc xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất mà còn là cơ hội để các nhà thầu phát huy năng lực sáng tạo của mình trong việc phát triển công nghệ, cải tiến quy trình và tối ưu hóa các phương pháp quản lý. Sự cạnh tranh giữa các nhà thầu sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn trong việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Khi mà lưới điện đang đối mặt với những thách thức lớn như quá tải, lão hóa và ô nhiễm môi trường, việc đấu thầu nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trở nên đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình đấu thầu hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục. Một vấn đề nổi bật là sự xuất hiện của các nhà thầu quen mặt, những đơn vị đã có thâm niên lâu dài và mối quan hệ mật thiết với cơ quan chức năng. Việc này dẫn đến tình trạng thiếu cạnh tranh thực sự, khi mà những nhà thầu này thường được ưu ái và dễ dàng trúng thầu hơn so với các đối thủ khác. Kết quả là, nhiều nhà thầu mới, có khả năng cung cấp những giải pháp sáng tạo và công nghệ tiên tiến lại bị bỏ qua, làm cản trở sự phát triển đa dạng và năng động của thị trường.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của tình trạng “một mình một ngựa” trong lĩnh vực đấu thầu cũng tạo ra những rào cản không nhỏ. Khi một số nhà thầu chiếm lĩnh thị trường, họ có thể dễ dàng kiểm soát giá cả và chất lượng dịch vụ mà không cần phải đối mặt với áp lực từ các đối thủ cạnh tranh. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế khả năng của ngành điện trong việc ứng phó với những thay đổi trong nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, vấn đề tiết kiệm thấp trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án cũng cần được quan tâm. Nhiều nhà thầu có thể không tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí trong đầu tư. Chưa kể, việc tiết kiệm trong nâng cấp mạng lưới điện không chỉ liên quan đến chi phí mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh năng lượng tái tạo và công nghệ thông minh ngày càng trở nên quan trọng.

Trước thực trạng trên, Tạp chí Nhà Quản Lý triển khai Chuyên đề nghiên cứu “Phân tích thực trạng quản lý, sử dụng nguồn vốn trong công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây lắp các dự án, nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện TP. Hà Nội, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hướng đến việc sử dụng ngân sách đầu tư công hiệu quả, chất lượng công trình đảm bảo, an toàn và bền vững”.

Trong quá trình khảo sát để lấy các số liệu làm minh chứng thực hiện nghiên cứu, chúng tôi đã nhận được những thông tin phản ánh liên quan đến các dự án, gói thầu do Công ty điện lực Mỹ Đức (gọi tắt là PC Mỹ Đức) là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng Công ty điện lực Hà Nội, làm chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên xuất hiện một số doanh nghiệp tham gia và trúng nhiều dự án, tỉ lệ tiết kiệm thấp cho ngân sách Nhà nước.

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho thấy, PC Mỹ Đức có quan hệ với 82 nhà thầu, đã công bố 75 kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 124 gói thầu; đã thực hiện mời thầu 58 gói (với 73 thông báo mời thầu), thực hiện mời sơ tuyển 0 gói. Có 38 gói có kết quả mà không có thông báo mời thầu (TBMT), thông báo mời sơ tuyển (TBMST). Trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu là 2,48 nhà thầu. Tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là 150.393.802.929 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 132.099.925.042 đồng, tỉ lệ tiết kiệm là 12,16%.

Thế nhưng, điều đáng chú ý là trong các gói thầu mà PC Mỹ Đức tổ chức thường xuất hiện những gói thầu với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Không chỉ việc xuất hiện nhà thầu liên tục trúng các gói thầu khủng mà qua hồ sơ cũng cho thấy, rất nhiều gói thầu mà PC Mỹ Đức tổ chức có tổng giá trị hàng tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp.

7 gói thầu được phê duyệt trong cùng một ngày

Ngày 29/07/2024, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Công ty điện lực Mỹ Đức trực thuộc Tổng Công ty điện lực Hà Nội đã ký phê duyệt 07 gói thầu trong cùng một ngày, đáng chú ý 3/7 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp.

2-1729222604.png

  Bảng tổng hợp 07 gói thầu được phê duyệt cùng một ngày của Công ty điện lực Mỹ Đức trực thuộc Tổng công ty điện lực Hà Nội – PV thực hiện.

Gói thầu Thi công xây lắp công trình Thay tủ hạ thế sau các trạm biến áp trên địa bàn huyện Mỹ Đức thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Thay tủ hạ thế sau các trạm biến áp trên địa bàn huyện Mỹ Đức thuộc dự án Thay tủ hạ thế sau các trạm biến áp trên địa bàn huyện Mỹ Đức được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quyết định số 3032/QĐ-PCMYDUC, đơn vị trúng thầu: Công ty TNHH Tư vấn Thí nghiệm Xây dựng Trường Xuân.

Giá trúng thầu: 1.009.164.641 đồng, giá đã bao gồm thuế GTGT. Nguồn vốn: Vay tín dụng thương mại và Khấu hao cơ bản; thời gian thực hiện gói thầu/ Thời gian thực hiện hợp đồng: 90 ngày. So với giá dự toán 1.012.549.950 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,33%, chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh.

3-1729222613.jpg

Quyết định số 3032/QĐ-PCMYDUC.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 29/07/2024, kịch bản “tiếp kiệm thấp” tiếp tục được lặp ở 02 gói thầu khi được ký quyết định vào cùng 1 ngày, cả 2 gói thầu nêu trên đều “trùng hợp” chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự là Công ty Thương mại và Xây lắp Hà Đông; nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh.

Cụ thể, theo quyết định số 3028/QĐ-PCMYDUC, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thi công xây lắp công trình Xây dựng mới các trạm biến áp trên địa bàn xã An Tiến, Thị trấn Đại Nghĩa - huyện Mỹ Đức thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Xây dựng mới các trạm biến áp trên địa bàn xã An Tiến, Thị trấn Đại Nghĩa - huyện Mỹ Đức thuộc dự án Xây dựng mới các trạm biến áp trên địa bàn xã An Tiến, Thị trấn Đại Nghĩa - huyện Mỹ Đức. Đơn vị trúng thầu: Công ty CP Thương mại và Xây lắp Hà Đông; Giá trúng thầu: 2.458.441.600 đồng, giá đã bao gồm thuế GTGT. Nguồn vốn: Khấu hao cơ bản; thời gian thực hiện gói thầu/ Thời gian thực hiện hợp đồng: 90 ngày. So với giá dự toán 2.465.042.805 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,27%.

4-1729222613.jpg

  Quyết định số 3028/QĐ-PCMYDUC.

Theo quyết định số 3027/QĐ-PCMYDUC, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thi công xây lắp công trình Lắp LBS có giám sát, điều khiển xa trên đường dây trung thế công ty Điện lực Mỹ Đức năm 2024 thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Lắp LBS có giám sát, điều khiển xa trên đường dây trung thế công ty Điện lực Mỹ Đức năm 2024 thuộc dự án Lắp LBS có giám sát, điều khiển xa trên đường dây trung thế công ty Điện lực Mỹ Đức năm 2024. Đơn vị trúng thầu: Công ty CP Thương mại và Xây lắp Hà Đông; Giá trúng thầu: 2.200.508.000 đồng, giá đã bao gồm thuế GTGT. Nguồn vốn: Vay tín dụng thương mại và Khấu hao cơ bản; Thời gian thực hiện gói thầu/ Thời gian thực hiện hợp đồng: 90 ngày. So với giá dự toán 2.210.705.728 đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0.46%.

5-1729222613.jpg

Công ty Tuấn Ân – đối tác “quen mặt” tại PC Mỹ Đức

Thời gian gần đây, dư luận đang dấy lên nhiều quan ngại xung quanh Tập đoàn Tuấn Ân và các công ty thành viên trước thông tin chủ tịch tập đoàn này bị bắt. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã chính thức khởi tố vụ án liên quan đến những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đấu thầu tại Tập đoàn Tuấn Ân. Theo thông tin ban đầu, trước khi Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân bị bắt, các đơn vị thành viên của tập đoàn này đã đạt được hàng trăm gói thầu, trở thành đối tác "ruột" của nhiều công ty điện lực lớn trên toàn quốc.

Tập đoàn Tuân Ân liên quan đến các cáo buộc "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước". Tập đoàn Tuấn Ân, cùng với Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan, đang là đối tượng được điều tra sâu về những sai phạm này.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Tuấn Ân rất đa dạng với sự hiện diện của nhiều công ty con như Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Tuấn Ân, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội, Công ty TNHH Tuấn Ân miền Bắc, cùng một số công ty TNHH khác tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Đáng chú ý, hoạt động đấu thầu của Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội, một thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân, đang thu hút sự chú ý của công luận. Công ty này đã liên tục trúng nhiều gói thầu lớn, với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Địa chỉ của công ty được xác định tại thửa BT3-3 khu đấu giá quyền sử dụng đất Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bà Huỳnh Ngọc Phương Trinh, sinh năm 1995, là người đại diện pháp luật của công ty. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội bao gồm buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. 

Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đang khẳng định vị thế mạnh mẽ của mình trong lĩnh vực đấu thầu với một lượng lớn các gói thầu thành công. Theo dữ liệu ghi nhận, công ty này đã tham gia đấu thầu và trúng ít nhất 530 gói. Đáng chú ý, chỉ riêng khu vực Hà Nội công ty này đã “ẵm” 253 gói thầu. Doanh nghiệp này đã trở thành một đối tác tin cậy và thường xuyên trong việc cung cấp vật tư cho nhiều công ty điện lực trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các công ty này bao gồm Công ty Điện lực Thường Tín, Công ty Điện lực Thanh Trì, Công ty Điện lực Thanh Xuân, Công ty Điện lực Sơn Tây, Công ty Điện lực Chương Mỹ, Công ty Điện lực Đông Anh, và Công ty Điện lực Mỹ Đức.

Tuy nhiên, những dấu hiệu “bất thường” trong hoạt động đấu thầu của công ty này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch.

Đơn cử như gói Mua sắm bổ sung vật tư phục vụ công tác quản lý vận hành quý IV năm 2023 tại Điện lực Mỹ Đức có dự toán giá 253.119.866 đồng. Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng thầu theo Quyết định số 250/QĐ-PCMYDUC với giá trúng thầu là 245.462.953 đồng (Bằng chữ: Hai trăm bốn mươi lăm triệu bốn trăm sáu mươi hai nghìn chín trăm năm mươi ba đồng), đã bao gồm thuế VAT. Thời gian thực hiện hợp đồng được xác định là 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

7-1729222614.jpg

Quyết định số 2580/QĐ-PCMYDUC.

Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội nổi bật với kinh nghiệm dày dạn trong việc tham gia các gói thầu có nhiều đơn vị cùng cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ thể hiện khả năng chọn lựa mức giá một cách khôn ngoan mà còn biết cách đưa ra mức giá "sít sao" để đánh bại đối thủ trong từng cuộc đấu. Một ví dụ điển hình là gói thầu mua sắm vật tư thiết bị phục vụ các công trình đầu tư xây dựng năm 2023 (đợt 2) tại Điện lực Mỹ Đức. Gói thầu này có giá dự thầu là 18.810.111.846 đồng, với sự tham gia của nhiều đơn vị như Thiết bị điện MBT, Năng Lượng Xanh Tương Lai, Công Nghệ Hải Anh, cùng Vật liệu điện Nam Hà Nội.

Ngày 08/11/2023, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Mỹ Đức, đã ký quyết định số 2528/QĐ-PCMYDUC phê duyệt kết quả đấu thầu. Liên danh giữa Tuấn Ân Hà Nội và các đối tác đã chiến thắng với mức giá 17.915.604.719 đồng, đã bao gồm thuế VAT. Sự cạnh tranh diễn ra rất kịch tính khi Vật liệu điện Nam Hà Nội chỉ thua sát sao với giá 17.977.950.434 đồng, chỉ chênh lệch 62.345.715 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ghi nhận là 45 ngày.

8-1729222614.jpg

Quyết định số 2528/QĐ-PCMYDUC.

Văn phòng Chính phủ từng chỉ đạo giám sát chặt chẽ khi một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một chủ đầu tư

Về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2018 và lộ trình giai đoạn 2016-2026, Văn phòng Chính phủ đã từng có công văn số 5464/VPCP-CN ngày 21/06/2019 nêu ý kiến chỉ đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan đến phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Ngày 25/08/2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 6601/VPBP-CN gửi các Bộ, cơ quan nganh Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu. Tại văn bản này cũng đã nêu rõ: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. 

Sự giám sát cần được thực hiện từ giai đoạn đấu thầu đến khi hoàn thành dự án. Trong giai đoạn đấu thầu, các chủ đầu tư phải áp dụng các tiêu chí đánh giá công bằng và minh bạch để giảm thiểu khả năng gian lận hoặc sự thiên vị. Khi một nhà thầu trúng thầu nhiều gói, cần phân tích kỹ lưỡng khả năng thực hiện dự án của họ, đánh giá năng lực tài chính, nguồn nhân lực, và kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan. Điều này giúp đảm bảo nhà thầu không bị quá tải, không thể đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Trong quá trình thực hiện dự án, sự giám sát cần được tăng cường hơn nữa. Các chủ đầu tư nên thành lập các đội ngũ thanh tra độc lập để thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công và các yếu tố chi phí. Các báo cáo định kỳ cũng cần được yêu cầu từ nhà thầu để có bức tranh rõ hơn về tình hình thực tế của từng gói thầu. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi và giám sát cũng là giải pháp hiệu quả để nâng cao tính minh bạch.

Để đảm bảo việc đấu thầu được thực hiện một cách minh bạch và tiết kiệm, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ những dấu hiệu trên. Việc kiểm tra và làm rõ những dấu hiệu bất thường trong quy trình đấu thầu là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá đầy đủ năng lực của các nhà thầu, tránh tình trạng gian lận và tiêu cực.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có hành vi sai phạm (nếu có) để nâng cao trách nhiệm và tính công khai trong quản lý ngân sách đầu tư công. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng công trình, an toàn và bền vững, qua đó tạo dựng niềm tin của nhân dân vào hệ thống quản lý nhà nước. Sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn nâng cao uy tín của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. 

Phạm Tuấn – Hoàng Thăng

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thuc-trang-quan-ly-su-dung-nguon-von-nha-nuoc-trong-cong-tac-dau-thau-ghi-nhan-tai-pc-my-duc-a14598.html