Bóng ma thất nghiệp

Gánh nặng thất nghiệp sẽ đè nặng lên chính quyền các quốc gia trong đại dịch COVID-19.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà kinh tế học trong nhiều thế kỷ vẫn tập trung nghiên cứu vấn đề thất nghiệp, và những hệ luỵ của nó, cũng như những phương pháp để giảm tỷ lệ này.

Đại dịch COVID-19 có thể khiến 25 triệu người thất nghiệp trên phạm vi toàn thế giới, theo báo cáo mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Gói cứu trợ của Mỹ trị giá 2.000 tỉ USD dự định sẽ dành khoảng 260 tỉ USD để chi trả các khoản bảo hiểm thất nghiệp cho những người bị mất việc làm. Quy mô chi trả tương đương GDP Việt Nam năm 2019.

Theo The Guardian, vào tuần trước, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên chính quyền Mỹ tăng đột biến kể từ năm 2012. Thất nghiệp tăng nhanh là một trong những chỉ báo đầu tiên của một thời kỳ kinh tế suy thoái, The Guardian bình luận.

Hàn Quốc, một trong ba quốc gia châu Á chịu hậu quả nặng nề nhất từ đại dịch (bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản), cũng ra quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Chính phủ nước này cho biết sẽ hỗ trợ tới 90% chi phí cho các doanh nghiệp để họ duy trì lực lượng lao động.

Với chính phủ các nước, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hoặc giảm các khoản thu từ người lao động, doanh nghiệp cũng hứa hẹn là gánh nặng lớn.

Trong cuộc họp chiều 26.3 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đại dịch COVID-19 có thể khiến 600.000 lao động trong thành phố thất nghiệp. Để đảm bảo đời sống tối thiểu cho lực lượng lao động này, TP.HCM chủ trương hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng/tháng từ khoản trích trong thu nhập tăng thêm dành cho công chức thành phố. Nếu việc này được thực hiện, mỗi tháng thành phố lớn nhất cả nước sẽ phải trích ra 600 tỉ đồng cho khoản trợ cấp thất nghiệp này.

Ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu tỉ đô của Việt Nam cũng đang đứng trước khó khăn do các đơn hàng bị trì hoãn hoặc/và huỷ bỏ. Với lực lượng lao động gần 3 triệu người, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước khó khăn khi phải duy trì hoạt động trong tình trạng đầu ra không đảm bảo.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang kiến nghị tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí công đoàn cho đến tháng 6.2020. Theo luật Lao động, phần lớn chi phí này thuộc về phía các doanh nghiệp.

Theo ước tính của ILO, giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỉ USD đến 3.400 tỉ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.

Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”. ILO ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người ).

Những hệ luỵ xã hội liên quan đến tình trạng thất nghiệp tăng cao đột biến sẽ khó lường hơn cả những khoản chi của chính phủ hay các khoản thu mà chính quyền mất đi.

Sa thải công nhân là lựa chọn cuối cùng của doanh nghiệp. Thông thường, mỗi công nhân phải có thời gian ít nhất nửa năm mới có thể thành thục những công việc đơn giản với máy móc và mang lại hiệu suất lao động cao nhất. Sa thải công nhân trong giai đoạn khó khăn tạm thời, như COVID-19 có thể khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc khi tình hình kinh doanh phục hồi mà chưa thể tuyển ngay lực lượng lao động lành nghề.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm với khoảng 15.000 công nhân cho biết mặc dù các đơn hàng tới Mỹ và châu Âu bị trì hoãn, đến nay Minh Phú vẫn chưa thu hẹp lao động, chỉ giãn thời gian lao động của công nhân và tranh thủ đào tạo các kỹ năng mới. Với tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex, khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, cũng đề ra mục tiêu đầu tiên để vượt qua cuộc khủng hoảng là đảm bảo cuộc sống cho lực lượng lao động hàng chục nghìn người.

Nhưng cuối cùng, khi đại dịch qua đi, số lượng người thất nghiệp vẫn cứ tăng lên bất chấp nỗ lực từ phía chính phủ và các doanh nghiệp.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bong-ma-that-nghiep-a1457.html