Người Trung Quốc muốn ăn gì?

Tăng trưởng thu nhập và đô thị hóa làm thay đổi bản chất và cấu trúc nhu cầu thực phẩm của Trung Quốc. Và thịt là thực phẩm đang lên ngôi.

Vốn là đất nước đông dân nhất thế giới, với dân số dự kiến tăng đến 1,38 tỉ người vào năm 2050, việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc là điều tất yếu. Trong khi giá cả và các yếu tố phi kinh tế như khẩu vị và ý thức cũng có tác động nhất định, thu nhập gia tăng và sự đô thị hóa được cho là hai yếu tố quan trọng nhất định hình cấu trúc chi tiêu cho thực phẩm ở Trung Quốc về trung và dài hạn.

Khi thu nhập theo đầu người tăng, thực đơn của người dân cũng thay đổi. Nhiều món ăn đắt đỏ trước đây, giờ đã thành thực phẩm hàng ngày. “Tôi vẫn nhớ ngày xưa món thịt bò được gọi là món ăn dành cho triệu phú. Bây giờ tôi có thể ăn món đó mỗi ngày nếu muốn”, theo Jian Zhang, người đàn ông từng làm nông ở quê nhà, nay là nhân viên của một công ty tư vấn nhỏ ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ông ước tính mình chi khoảng 88 USD mỗi tuần cho thức ăn, một nửa khoản đó chi cho thịt.

Theo kết quả nghiên cứu về nhu cầu thực phẩm ở Trung Quốc được công bố tại Cuộc họp Thường niên của Hiệp hội Kinh tế Nông nghiệp và Ứng dụng (AAEA) 2015 tại San Francisco, tỉ lệ chi tiêu cho nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) của thị trường Trung Quốc dự đoán tăng đáng kể, từ 47,9% năm 2010 lên 53% năm 2030. Trong nhóm thực phẩm này, lượng sản phẩm thịt (heo, bò, dê, cừu, gia cầm, trứng, sữa) được tiêu thụ nhiều hơn hẳn các loại thủy sản (tôm, cá). Do vậy, thịt có xu hướng đóng vai trò quan trọng nhất trong cấu trúc bữa ăn ở Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất, tiêu dùng và nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới. Năm 2019, nước này tiêu thụ khoảng 28% nguồn cung thịt toàn cầu, chiếm 73% giá trị thị trường thịt Châu Á-Thái Bình Dương, với giá trị nhập khẩu mỗi tháng lên đến 1 tỉ USD. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép CAGR trong tiêu thụ thịt ở thị trường Trung Quốc là 2,4% trong giai đoạn 2014-2018, và dự kiến sẽ tăng đều đặn trong giai đoạn ba năm tới 2020-2023. Trong số tất cả các loại thịt, thịt heo hiện được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường, tiếp theo là thịt gia cầm, thịt bò. Năm 2013, Shineway, công ty chế biến thịt của Trung Quốc mua lại công ty cung cấp thịt heo lớn nhất thế giới Smithfield của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu thịt bò và thịt bê sẽ tăng ít nhất 25% trong thập kỷ tới, trong khi tăng trưởng thị trường thịt heo sẽ chậm lại. Xu hướng này phù hợp với việc gia tăng liên tục về giá của thịt heo khiến người tiêu dùng quay sang các lựa chọn khác cũng như sự thay đổi khẩu vị thiên về thực đơn phương Tây hơn của người dân.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng có xu hướng thay đổi thói quen mua thịt do ảnh hưởng của đô thị hóa. Phần lớn lượng thịt được bán lẻ tại các khu “chợ ướt” – chợ bán đồ tươi sống truyền thống, hầu hết ở ngoài trời hoặc bên lề đường. Những khu chợ kiểu này là nơi khách hàng có thể mua thịt sống hoặc thịt tươi trực tiếp từ nông dân địa phương. Tuy nhiên, những thị trường thế này đang dần bị xóa khỏi các khu vực được đô thị hóa, biến mất hoặc sáp nhập vào các siêu thị và đại siêu thị. Điều này phù hợp với nhu cầu ngày càng tinh tế của người mua thịt tươi sống ở thành thị với mức thu nhập tăng lên. Người dân Trung Quốc bây giờ có thể mua những miếng thịt cắt sẵn đắt tiền hơn, với yêu cầu cao hơn về sự đa dạng và chất lượng chế biến, bảo quản sản phẩm. Các đại siêu thị nước ngoài như Walmart, ALDI và Costco cũng đang gặt hái doanh thu từ nhu cầu thịt gia tăng của Trung Quốc.

Với việc sản xuất thịt trong nước bị hạn chế bởi sự hạn chế về tài nguyên đất và nước, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng thịt đáng kể từ nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt bò đông lạnh vào thị trường Trung Quốc có tăng trưởng 48,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi nhập khẩu gia cầm tăng 46,1%. Nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng cũng dẫn đến một dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường thịt bán lẻ cũng như thị trường thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc.

Dạ dày có hạn, khi bữa ăn đầy đủ thịt hơn, món gì sẽ được tiêu thụ ít lại? Câu trả lời là gạo. Gạo là một trong các loại ngũ cốc phổ biến ở Trung Quốc, bên cạnh kê, đậu tương, lúa mạch và lúa mì. Từ gạo, cơm là món ăn chính gần như không thể thiếu trong các bữa ăn truyền thống của người Trung Hoa. Theo báo cáo của AAEA 2015, nhu cầu tiêu thụ nhóm thực phẩm ngũ cốc, mà gạo là phần lớn, có xu hướng sụt giảm mạnh. Theo dự đoán, tỉ lệ chi tiêu cho ngũ cốc ở Trung Quốc sẽ giảm từ 18,5% năm 2010 xuống chỉ còn 14,1% năm 2030. Nhu cầu giảm là lý do tại sao năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 739 triệu USD, chiếm 46,2% thị trường gạo nhập khẩu của nước này, trong khi năm 2019 giảm xuống chỉ còn 240,39 triệu USD (Thống kê Hải quan).

Bên cạnh ngũ cốc và đạm động vật, cấu trúc phân bổ chi tiêu cho nhóm thực phẩm là chất béo, rau củ và trái cây cũng có xu hướng thay đổi với tốc độ chậm và có sự khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tại thành thị, tỉ lệ chi tiêu cho rau củ, trái cây và chất béo dự đoán sẽ giảm nhẹ, trong khi ở nông thôn, chi tiêu cho nhóm này tiếp tục tăng. Lựa chọn kết hợp các loại thực phẩm của cư dân hai khu vực này khác nhau. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, nhu cầu thực phẩm của cư dân thành thị sẽ là kiểu cấu trúc chiếm ưu thế trong tương lai.

Cao Dung

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nguoi-trung-quoc-muon-an-gi-a1455.html