Cần giảm thuế TNDN về 10% cho lĩnh vực báo chí

Vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Tài chính diễn ra vào ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định rằng, cơ quan này đang xem xét các phương án hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các cơ quan báo chí.

Còn 15% cho báo điện tử, 10% cho báo in?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế suất nhằm mục tiêu giảm bớt khó khăn cho ngành báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm về nguồn thu quảng cáo.

Tại cuộc họp này, theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí của Bộ Tài chính trong thời gian gần đây, tình hình tài chính của toàn bộ các cơ quan báo chí, bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều gặp khó khăn lớn. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh mẽ trong nguồn thu từ quảng cáo – một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của ngành báo chí.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xây dựng các phương án ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí, không chỉ báo in. Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện hành.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, đề xuất mức thuế suất ưu đãi 15% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm sự tương quan với các ngành nghề khác. Mức thuế này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, vừa đảm bảo tính công bằng giữa các ngành, vừa giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, trừ báo in, phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu.

Với đề xuất điều chỉnh này, Bộ Tài chính mong muốn tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí, đồng thời khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% vẫn sẽ được duy trì, trong khi các loại hình báo chí khác sẽ được hưởng mức thuế 15%.

pv-bao-chi-tac-nghiep-1728370004.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí nói gì?

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế với các cơ quan báo chí là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ. 

Từ sau dịch Covid-19, với một số biến động về sức khỏe doanh nghiệp, suy giảm thị trường quảng cáo truyền thống, các cơ quan báo chí đều bị sụt giảm nguồn thu quảng cáo, bán báo.

“Trong khi đó, cơ chế để hỗ trợ ngân sách đặt hàng tuyên truyền còn nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai. Tức là cơ quan báo chí khó mọi bề.

Đối với cơ quan báo chí, nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng. Các báo đều thực hiện rất nhiều tin bài nhiệm vụ chính trị nhưng nguồn lực rất thiếu và yếu.

Nếu áp thuế với cơ quan báo chí như với doanh nghiệp là không phù hợp. Bởi vì các hoạt động của cơ quan báo chí không thể tính toán có lợi nhuận mới làm như với doanh nghiệp đơn thuần”, bà Nga phân tích.

Chính vì thế, Tổng Biên tập Báo Giao thông bày tỏ đồng tình với đề xuất của các đại biểu Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam là áp thuế chung cho tất cả các loại hình báo chí với mức 10%. Lý do, không chỉ báo in mới đang lỗ và cần được hỗ trợ. Hiện giờ, các báo, đài đều đang phải nỗ lực giành được thị phần, thu hút bạn đọc trên môi trường mạng. Thậm chí, nhiều báo, việc giữ được sự hiện diện của mình trên môi trường mạng đã là rất khó, mà nếu không có nguồn lực thì phải chấp nhận bỏ cuộc.  

“Nếu được áp mức thuế 10% (hiện nay là 20%), không chỉ với báo in mà với tất cả các cơ quan báo chí, thì báo chí sẽ có thêm nguồn đầu tư để đào tạo nhân sự, đầu tư trang thiết bị hạ tầng, như vậy mới có thể trở thành lực lượng tinh nhuệ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới”, bà Nga cho hay.

Còn theo ông Đinh Minh Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, từ năm 2013 trở về sau, báo in tiếp tục đi xuống, thu nhập từ quảng cáo và số lượng phát hành giảm sâu vì bên cạnh mạng xã hội, báo điện tử phát triển nhanh chóng, các nguồn quảng cáo cũng chảy về những nền tảng này.

Cơ quan báo chí phải đa dạng nguồn thu từ phát triển các nền tảng đa truyền thông như làm sự kiện, thậm chí có nơi bắt đầu hoạt động cho thuê văn phòng để tăng nguồn thu.

“Hiện nay, việc ưu đãi thuế 10% cho báo in hầu như không còn ý nghĩa nhiều vì thu nhập mảng này không còn bao nhiêu. Do đó, ông Trung cho rằng trong xu hướng hiện nay, Nhà nước nên xem “cơ quan báo chí là đối tượng ưu đãi về thuế” mang tính toàn phần hơn, chứ không phải chỉ là báo in như bây giờ. Nếu Quốc hội thông qua chủ trương giảm thuế xuống còn 10% sẽ giúp báo chí đỡ đi một khoản tiền phải đóng để có thêm nguồn tái đầu tư cho sự phát triển”, ông Trung bày tỏ.

Còn ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập báo Người Lao Đồng cho hay, rất mong muốn Quốc hội thông qua chủ trương về giảm và áp dụng mức thuế chung 10% cho các cơ quan báo chí.

Theo ông Liêm, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã làm nguồn thu các cơ quan báo chí giảm mạnh, khiến không ít tờ báo đã và đang vất vả để tồn tại và phát triển.

"Nói như thế để thấy rằng chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí như bây giờ. Xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác, như không gian số. Các hình thức như bán hàng online, thương mại điện tử… đã phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống. Các doanh nghiệp, công ty quảng cáo đã và đang tìm đến những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn là quảng cáo trên báo chí như thời gian trước”, ông Liêm nêu thực tế.

Cũng theo ông Liêm, không gian mạng bây giờ là "trận địa" chính của báo chí, thắng hay bại đều là ở đây. Báo chí đang đầu tư, tái cấu trúc để giành lại không gian mạng. Đó là không gian số, công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số… 

Do đó, Báo Người Lao động nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung cũng đang tiếp cận với nhiều con đường khác nhau để tăng nguồn thu, tái đầu tư để phát triển, cạnh tranh", ông Liêm phân tích.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, mọi lĩnh vực đều cần sự công bằng. Ở lĩnh vực báo chí, đối với việc thu thuế doanh nghiệp từ cơ quan báo chí, cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng mức thu hợp lý.

Theo ông Lợi, quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam là nên áp dụng chung một mức thuế ưu đãi cho tất cả các loại hình báo chí (điện tử, phát thanh, truyền hình...) chứ không riêng báo in.

Lý do, hiện nay các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Một trong những nguồn thu chính của báo chí đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nguồn thu quảng cáo sụt giảm, miếng bánh thị phần được chia cho Google, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Nguồn thu của báo chí đã khó khăn lại càng eo hẹp.

Đặc biệt ở Việt Nam cũng như một số nước sau thời gian đại dịch Covid-19 thì hoạt động báo chí càng ngày càng khó khăn khi các doanh nghiệp - đối tác của các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn. Đấy là lý do để chúng ta xem xét việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý cho cơ quan báo chí.

Quang Phúc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/can-giam-thue-cho-linh-vuc-bao-chi-a14492.html