Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

Ngày 4/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”. Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã đóng góp ý kiến về thực trạng phát triển, những thách thức và khó khăn đang gặp phải để từ đó tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí Liên hiệp Hội.

Trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay có 01 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp Liên hiệp Hội, 21 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp các Viện, 47 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp các hội ngành, tổng cộng là 69 cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội. Nếu tính đến cả số tạp chí chuyên ngành trực thuộc các chi hội của ngành toàn quốc thì tổng số gần 90 cơ quan báo chí, chưa kể đến trang tin điện tử, bản tin nội bộ của các đơn vị trong toàn hệ thống.

Với quy mô như vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam là đơn vị có lực lượng cơ quan báo chí lớn và hùng hậu bậc nhất cả nước. Đó đều là các tạp chí khoa học.

giai-phap-phat-trien-mo-hinh-cac-tap-chi-khoa-hoc-pld-1728028631.jpg
Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, một trong những thế mạnh của báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội là thông tin về khoa học công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ Việt Nam, cũng như truyền tải thông tin về các mặt của đời sống xã hội.

Nhìn chung, thời gian qua, báo chí Liên hiệp Hội đã chấp hành các chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên hiệp Hội, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước.

ong-le-thanh-tung-pld-1728028631.jpg
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã đóng góp ý kiến về thực trạng phát triển, những thách thức và khó khăn đang gặp phải để từ đó tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí Liên hiệp Hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Tất Viễn - Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý cho rằng, phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội là một vấn đề không đơn giản. Bởi các tạp chí không có được sự đồng nhất về đặc thù, điều kiện trong quá trình hoạt động và phát triển (các loại hình tạp chí khoa học gồm: Tạp chí khoa học thông tin lý luận; tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù và tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng).

Hiện hầu hết các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn và thách thức lớn, đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm điều hành của người đứng đầu cơ quan tạp chỉ (Tổng biên tập) để có thể duy trì và phát triển. 

Trong bối cảnh đó, thời gian qua lãnh đạo các tạp chí trong hệ thống đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn. Kinh tế báo chí) có tầm quan trọng sống còn và là điều kiện quan trọng bậc nhất (sau yếu tố con người) đối với sự phát triển của tạp chí, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp hội nói riêng đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông trên mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... Chính vì vậy, để tạo nguồn thu, các tạp chỉ đều tăng cường lập kế hoạch kinh doanh trên cơ sở pháp luật cho phép, mặc dù đây là việc làm không dễ trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Để giúp cho các tạp chí phát triển, Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập đề xuất, cần tạo điều kiện cho nhân tố tốt phát triển và triệt tiêu những tiêu cực không đáng có, cần tăng cường chế tài xử lý sai phạm đủ nghiêm minh nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thay bằng xóa bỏ các tạp chí khoa học ngoài công lập như hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao các yêu cầu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

nha-bao-dang-dinh-chan-pld-1728028631.jpg
Nhà báo Đặng Đình Chấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập.

TS. Phạm Thị Mỵ - Tổng Biên tập Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường kiến nghị, nên xác định tạp chí thuộc Liên hiệp Hội là tạp chí khoa học ứng dụng, là những tạp chí chuyên ngành, có chức năng phổ biến kiến thức khoa học, tư vấn, phản biện và giới thiệu kết quả những công trình khoa học được ứng dụng vào đời sống, xã hội. Theo đó, phóng viên tạp chí khoa học ứng dụng là phóng viên hoạt động theo Luật Báo chí.

“Thời gian gần đây có những ý kiến cho rằng những người làm ở tạp chí khoa học không phải là phóng viên và do vậy không nên cấp thẻ nhà báo (thẻ hành nghề) cho họ. Điều này theo chúng tôi là chưa thỏa đáng bởi kể cả những nhà khoa học khi họ đã hoạt động trong lĩnh vực báo chỉ họ cũng là nhà báo, là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và như vậy họ cũng cần phải có “thẻ hành nghề” như những nghề nghiệp khác” - TS. Phạm Thị Mỵ nói.

Bên cạnh đó cũng cần có chế tài mạnh đối với các tạp chí vi phạm Luật Báo chí. Với bất cứ ngành nghề nào cũng có đơn vị làm tốt, đơn vị làm chưa tốt, vi phạm pháp luật. Thực tế thời gian qua, đó đây có những báo, tạp chí và những nhà báo đã có hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và thậm chí vướng vào vòng lao lý. Vậy nên cần có cơ chế tài chính phạt thật nặng và đưa ra khỏi “làng báo” vĩnh viễn những nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà báo. Cũng không vì một vài cơ quan tạp chí vi phạm, yếu kém mà “dẹp” tất cả các tạp chí ngoài công lập (không phải của Bộ, ngành).

Mặc dù trong Luật Báo chí và trong các văn bản của Đảng đã quy định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng người đứng đầu cơ quan báo, tạp chí phải thực sự là người có đạo đức, có năng lực, gương mẫu trong lối sống, có tự trọng trong nghề nghiệp, định hướng đúng cho hoạt động của tạp chí và phải dám chịu trách nhiệm trước những vi phạm của phóng viên. 

Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/09/2024, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về 4 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Trong đó chính sách đầu tiên liên quan nhiều đến các tạp chí khoa học.

Cụ thể là chính sách về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí: Chỉnh lý chính sách không cho phép tạp chí khoa học được mở văn phòng đại diện tại địa phương để bảo đảm tính chủ động của tạp chí và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí khoa học; phạm vi thông tin của cơ quan báo chí cần phù hợp với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn, khắc phục vướng mắc, bất cập, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí.

Xuân Mai

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-tap-chi-khoa-hoc-thuoc-he-thong-lien-hiep-hoi-viet-nam-a14467.html