Hỗ trợ đổi mới sáng tạo giữa startups và các doanh nghiệp lớn Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 3/10 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC Hoà Lạc – Hà Nội) đã diễn ra Vòng chung kết “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch Event 2024” (Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản: Đường tới thành công). Chương trình do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đồng tổ chức.

Đây là năm thứ 2 chương trình được tổ chức tại Việt Nam và dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ dự án “ASEAN - Japan Co-Creation Fast Track Initiative” (Xây dựng hệ sinh thái đồng sáng tạo giữa Nhật Bản và ASEAN) do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khởi xướng. Chương trình có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như Ban Thư ký ASEAN và các đối tác doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và Nhật Bản.

inno-vietnam-japan-pld-1728012566.jpg
Vòng chung kết “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch Event 2024”.

Trong bối cảnh các công ty Nhật Bản đang tăng cường hợp tác chiến lược với các startup đang tăng trưởng nhanh nhằm mục đích kết hợp các đổi mới sáng tạo trong khu vực và cải thiện tính cạnh tranh trong thị trường ASEAN đang không ngừng phát triển, dự án “ASEAN - Japan Co-Creation Fast Track Initiative” đã ra đời, theo sau là chuỗi sự kiện “Fast Track Pitch” đã từng tổ chức thành công tại các nước Đông Nam Á vào năm 2023, thu hút hơn 700 nhà đầu tư, startups, doanh nghiệp lớn và các tổ chức hỗ trợ tham gia. 

Tiếp nối thành công đó, “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch Event 2024” được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo mở thông qua những phối hợp giữa startups và các doanh nghiệp lớn từ Việt Nam và Nhật Bản. Sáng kiến này đề xuất một dạng hợp tác mới trong khu vực nhằm tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch 2024 đưa ra thách thức trong các lĩnh vực: AI, an ninh mạng, thành phố thông minh, nhà máy thông minh. 

Chương trình năm 2024 đã thu hút được gần 100 đề xuất giải pháp, sản phẩm có chất lượng tốt từ các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Singapore…Vòng chung kết có sự tham gia của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki - Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản kiêm Trưởng Đại diện JETRO tại Singapore, ông Hiroshi Ishikawa và ông Ozasa Haruhiko - Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội. 

Tại “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch Event 2024” các doanh nghiệp xuất sắc giới thiệu về các giải pháp, sản phẩm và trao giải cho các đề xuất thành công cho các thách thức của NTT Data Vietnam, Phenikaa-X, SMC Manufacturing (Vietnam), Vin Group/Vin AI, Willer Vietnam với các chủ đề liên quan đến chuyển đổi số, thành phố thông minh, an ninh mạng, AI…

thach-thuc-doi-moi-sang-tao-pld-1728012566.jpg
Doanh nghiệp đưa ra giải pháp đối với những thách thức trong các lĩnh vực: AI, an ninh mạng, thành phố thông minh, nhà máy thông minh.

Với thách thức đưa ra từ phía NTT Data Vietnam, các doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều giải pháp hiệu quả và ý nghĩa, có tính thực tiễn cao. Trong đó, có 3 doanh nghiệp nổi bật vượt qua những tiêu chí khắt khe từ NTT Data Vietnam để trở thành những đơn vị chiến thắng cuộc thi. 

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tiên được kể đến là Whale - một công ty cung cấp giải pháp AI cho các nhãn hàng và những đơn vị bán lẻ, nhằm đem lại trải nghiệm đột phá cho khách hàng khi đi mua sắm tại cửa hàng. Whale đưa ra giải pháp sử dụng AI, phân tích video, ASR và phân tích dữ liệu để giúp các nhà bán lẻ tối ưu hóa vận hành, gia tăng tương tác với khách hàng và thúc đẩy doanh số. Thêm vào đó, việc kết hợp AI với những thứ đã sẵn có ở các cửa hàng bán lẻ sẽ giúp đưa ra các gợi ý được cá nhân hóa và gia tăng hiệu quả vận hành. 

Doanh nghiệp thứ hai là Kotozna - một nền tảng AI đa ngôn ngữ đến từ Việt Nam, hỗ trợ chuyển đổi tương tác khách hàng thành doanh số trong lĩnh vực bán lẻ và du lịch - lữ hành. Kotozna cung cấp giải pháp thông minh LaMondo, sử dụng AI sáng tạo để mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa, tương tác khách hàng đa kênh thông qua 100 thứ tiếng, kết hợp với hệ thống và dữ liệu sẵn có. 

Cuối cùng là GitAuto - một công ty đến từ Mỹ chuyên viết code tự động. Họ đã tạo ra GitHub để thu thập các vấn đề hàng ngày của người dùng, đẩy lên hệ thống để giúp các nhà quản lý kỹ thuật giải quyết việc chuỗi nguồn, nâng cấp quá trình sửa bugs và mang đến nhiều chức năng tiện nghi cho người dùng.

Với thử thách từ Vingroup / Vin AI, Blueqat đã đưa ra giải pháp cho nhu cầu về xử lý và phân tích dữ liệu bằng cách sử dụng trung tâm dữ liệu tiên tiến để sử dụng kỹ thuật RAG (Retrieval-Augmented Generation), tăng hiệu suất bằng máy tính lượng tử, phân luồng Neural Network theo từng bộ sử lý. Hệ thống này sử dụng model ngôn ngữ hiệu suất cao cùng với trên 8 GPU để xử lý và phân tích nhiều cơ sở dữ liệu.

Theo đó là Lea Bio với giải pháp cho việc dự báo và thông báo nguy hiểm về vấn đề quản lý sức khỏe của người Việt Nam. Hệ thống sử dụng dữ liệu thu thập từ AI để dự báo và đưa ra cảnh báo về các nguy hiểm trong quản lý sức khỏe của người Việt Nam. Qua đó, hệ thống giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe của quốc gia và giảm thiểu trường hợp tắc nghẽn trong bệnh viện.

Nudgyt là công ty thứ ba đã được lựa chọn bởi Vingroup / Vin AI với giải pháp cho yêu cầu hành động nhất định từ AI. Qua việc kết hợp khoa học về hành vi và AI, Nudgyt đã thiết kế các model AI có thể cảm nhận, nghĩ và hành động phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Hoàng Thảo

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ho-tro-doi-moi-sang-tao-giua-startups-va-cac-doanh-nghiep-lon-viet-nam-nhat-ban-a14460.html