Theo tìm hiểu mới đây giữa Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ước đạt mức 3,83% vẫn là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 4,4%, xuất khẩu nông sản ước đạt hơn 43 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43%, chiếm hơn 42,5% xuất siêu cả nước. Với hơn 10 loại nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, sầu riêng có mức tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 5,57 tỷ USD. Xuất khẩu gạo tăng 17,4% về lượng, giá trị đạt 39,4%, hơn 4,8 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông sản đã chuyển mạnh từ lượng sang chất thông qua việc đẩy mạnh liên kết, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất. Gần đây với việc tạo ra các không gian giá trị cho nông sản, ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò 'bệ đỡ' của nền kinh tế.
Trong đó, nhằm thực hiện sản xuất lúa theo Đề án 'Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030' (Đề án). Với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là một trong những công cụ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.
Cụ thể, TP. Cần Thơ có 148 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao của 74 chủ thể gồm doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Trong đó, có 73 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 75 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP trên địa bàn TP Cần Thơ đã tạo hiệu quả tích cực, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao. Những sản phẩm OCOP của Hậu Giang đã và đang nâng tầm giá trị nông sản, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho địa phương. Là địa phương có lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện chương trình OCOP.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho hay, Cần Thơ đã tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm nông sản gắn với xây dựng thương hiệu cấp vùng, cấp quốc gia và gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như quốc tế trong thời gian qua. Việc xây dựng thương hiệu nông sản gắn với thị trường tiêu thụ là hướng đi bền vững, giúp khẳng định thương hiệu và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
“Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm. Cùng với đó, thành phố xây dựng các tổ, nhóm nông dân để hình thành các HTX, các tổ hợp tác và liên kết sản xuất theo quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển nhãn hiệu. Ngoài ra, thành phố còn hướng dẫn chuyển giao về khoa học kỹ thuật cho các HTX cũng như người sản xuất, làm ra sản phẩm có chất lượng để duy trì và phát triển nhãn hiệu, phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn”, ông Sử nhấn mạnh.
Sự thành công của mô hình khiến người nông dân không còn những e ngại, “bán tín bán nghi” về năng suất, chất lượng khi được tuyên truyền, vận động thực hiện phương thức sản xuất lúa mới của Đề án.
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, vựa lúa lớn nhất Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy, trung bình sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL hằng năm chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và xuất khẩu trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thu nhập của người nông dân còn khá thấp khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Như vậy, với kết quả của Đề án đánh dấu sự đổi mới về tư duy mở đường cho “lúa” qua phương thức sản xuất mới, với nhiều ưu điểm: Tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); giảm chi phí nhân công lao động; hạn chế rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra nông sản có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh phục vụ tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo Viện IMRIC, Đề án mới chỉ đáp ứng được một phần cho lời giải bài toán phát triển vững bền cho vựa lúa ĐBSCL, dù chất lượng tốt, năng suất tăng, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là phải xây dựng thị trường lúa, gạo có văn hóa, có uy tín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện.
Do đó, nên sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ngành Nông nghiệp cần tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang. Giá trị sáng tạo không chỉ là bánh mì, mì tôm thanh long mà là các sản phẩm sau gạo, tôm, cá tra làm chất dẫn dụ thủy sản, dược phẩm, collagen có giá trị gia tăng cao…
Mặt khác, việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng. Không gian phát triển và con đường nông sản mới đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới. Đây cũng là hướng đi của “con đường nông sản mới” từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp…
Có thể khẳng định, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Đề án, rất cần sự đồng hành, đoàn kết, trách nhiệm của người nông dân với doanh nghiệp và sự chung sức, tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu; phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng sự liên kết chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ lúa gạo bền vững...
Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời, khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. |
Nhật Lâm
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tiep-tuc-dua-nganh-nong-nghiep-dbscl-tro-thanh-be-do-cua-nen-kinh-te-a14420.html