Sáng nay (21/9), các doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE) đã họp với Thủ tướng Chính phủ về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đã khẳng định vai trò đối với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Cũng tại hội nghị làm việc với Thủ tướng, đại diện các tập đoàn đã nêu những khó khăn và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp mình đối với chính sách của Nhà nước, sự thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đặc biệt là trong lúc đồng bào đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra hiện nay.
Theo VOV, tại về lĩnh vực logictics, ông Trần Bá Dương Chủ tịch THACO cho biết, hiện nay vận chuyển của THILOGI qua Cảng Chu Lai theo các tuyến chính gồm: Tuyến Bắc Campuchia và Tây Nguyên - Chu Lai: 3,900 cont, trong đó THACO là 2,100 cont, chiếm 53%; Tuyến Nam Lào & Bắc Kontum - Chu Lai có gần 4,700 cont và hơn 1 triệu tấn khoáng sản trong đó THACO là 2,200 cont, chiếm 46%; Tuyến Quảng Nam và các tỉnh lân cận Chu Lai: 46,000 cont và hơn 461,000 tấn hàng rời, trong đó THACO là 33,000 cont, chiếm 70%.
Chủ tịch THACO cho rằng, sở dĩ số lượng hàng cont qua Cảng Chu Lai không như kỳ vọng là do hiện nay Cảng chỉ đón được tàu trọng tải 2 vạn tấn do luồng Kỳ Hà hiện hữu đã dừng thi công từ tháng 6/2022. THACO đã có các văn bản đề xuất Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giao THACO triển khai công tác nạo vét bằng nguồn vốn doanh nghiệp, gồm luồng mới là Dự án tuyến luồng Cửa Lở: Hiện nay, vẫn còn chờ Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Quốc lộ 14D, ông Trần Bá Dương khẳng định, đây là tuyến đường rất quan trọng cho hành lang kinh tế Đông - Tây, hỗ trợ cho các địa phương vùng Nam Lào vận chuyển hàng hóa qua miền Trung Việt Nam nhưng đang xuống cấp, hư hỏng nặng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT quan tâm bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án này trong năm 2025. Về an sinh xã hội, Chủ tịch Thaco kiến nghị nghiên cứu trồng rừng để chống sạt lở và xây nhà ở kiên cố cho người dân vùng bị lũ lụt thiên tai để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Group mong Thủ tướng Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Tạo môi trường pháp luật cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội; Tạo điều kiện, cơ chế để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần cho một Việt Nam hùng cường.
Bà Thảo đề xuất Chính phủ, hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Băng cốc, Singapore, Hàn Quốc… Vừa qua, Vietjet đã trung chuyển khách từ Ấn Độ, Kazasktan qua Việt Nam tới Australia, Indonesia…
Bà Thảo nhấn mạnh, Tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp cũng như Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho hàng không và du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. "Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho kinh tế Việt Nam với tinh thần tiên phong của hàng không, du lịch và các doanh nhân dân tộc chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn", bà Thảo nói.
Một trong những đề xuất được ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup nêu là đề xuất Chính phủ tăng đào tạo, phổ cập tiếng Anh. Theo ông Vượng, việc này không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. "Vingroup, các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho giáo viên lên vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị sẽ tạo 'cần câu cơm' tốt hơn cho trẻ, góp phần phát triển những nơi khó khăn này trong tương lai", ông Vượng nói .
Trước đó, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Việc này nhằm thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Cũng về đào tạo, Chủ tịch Vingroup đề nghị Chính phủ mở rộng hạn ngạch đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn... Việc này nhằm tạo lượng lớn lao động trong ngành công nghệ - lĩnh vực có tương lai hơn nhiều so với các ngành khác trên thị trường.
Tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm cho biết doanh nghiệp xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam hoạt động, trong đó ưu tiên tập trung hai lĩnh vực then chốt là xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
với tầm nhìn dài hạn, KN Holdings sẽ hướng tới xây dựng các Trung tâm công nghiệp thế hệ mới hiện đại, nơi Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ và phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, sẽ ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “made in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế”, ông Kiểm nói.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông Kiểm khẳng định cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực.
“Đồng thời, chúng tôi mong rằng Chính phủ có thể sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi kính mong Chính phủ sẽ có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo”, ông Kiểm nói.
Điều này, theo ông Kiểm sẽ không chỉ giúp thu hút thêm các doanh nghiệp vệ tinh mà còn thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế của đất nước trong nền kinh tế quốc tế đầy cạnh tranh hiện nay. Trước Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn KN Holdings cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tuân thủ pháp luật và tích cực đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Minh Quang
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lanh-dao-cac-tap-doan-kien-nghi-gi-khi-gap-thu-tuong-pham-minh-chinh-a14333.html