Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy cầu cho mưa thuận gió hòa, mừng Tết Độc lập, cũng là dịp để con cháu tỏ lòng tri ân tới những bậc tiền bối đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Con cháu trở về quê hương ăn Tết Độc lập
Trước đây, hàng năm con sông này gây lũ lụt cho vùng đồng bằng xung quanh do sông dốc, ngắn. Sau khi có đập An Mã ngăn ở thượng nguồn, nạn lũ lụt đã được khống chế. Dòng sông này cũng mang đến phù sa bồi đắp, tạo nên cánh đồng trú phú, nổi danh với câu ca: “Nhất Đồng Nai, Nhì hai huyện”.
Dòng Kiến Giang cũng chính là dòng sông văn hóa, vào ngày 2/9 hằng năm, người dân vùng Lệ Thủy nô nức mở hội đua thuyền trên trên sông. Đây là lễ hội mừng Tết Độc lập, và cũng được xem như là cái tết thứ 2 của người dân vùng đất này. Nên những người con Lệ Thủy xa quê đều háo hức trở về quê mẹ, để nghe điệu hò khoan trên sông, để cổ vũ cho đua thuyền mừng Tết Độc lập.
Sông Kiến Giang là nơi khơi nguồn cho nhiều giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến những nét văn hóa thường ngày vùng sông nước và lễ hội đua thuyền truyền thống. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đua thuyền trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy. Mỗi dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thuỷ ở trên khắp đất nước đổ về quê hương.
Ngày Tết Độc lập, những người con tha phương mong mỏi quay về quê hương để tìm lại ký ức tuổi thơ qua làn điệu hò khoan, tiếng í ới gọi nhau qua những bến nước. Tìm lại tuổi thơ con đò giữa đêm trăng sáng, để được gặp nhau, ôm chầm lấy nhau. Không chỉ người dân Lệ Thủy mà cả du khách thập phương đều nô nức tham gia vào lễ hội này.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thủy được người dân duy trì nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa và bình an. Đây cũng là dịp để khơi dậy tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe của người dân, khẳng định lòng quyết tâm của người Lệ Thủy trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thiên tai bão lũ.
Ngày nay, khi đời sống của người dân nâng cao, du lịch Quảng Bình được quảng bá rộng rãi, đặc biệt Lệ Thủy là nơi sinh ra vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, nên lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang được tổ chức quy mô lớn, thu hút nhiều đội bơi tham gia. Dịp này, người dân Lệ Thủy ai cũng làm mâm cơm cúng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông bà tổ tiên. Lệ Thủy được xem là nơi đón Tết Độc lập lớn nhất ở nước ta.
Dậy sóng vùng sông nước
Kinh phí bơi đua thường được người dân trong làng, xã cùng nhau quyên góp. Từ việc đóng đò cho đến từng bữa cơm của trai bơi, gần như mọi thứ đều đến từ tấm lòng và sự đoàn kết của bà con. Nhiều người lớn tuổi ở Lệ Thủy kể lại, lễ hội đua thuyền ở sông Kiến Giang có từ cách đây hơn 500 năm, diễn ra vào mùa xuân, đây là lễ hội đua tài, vui chơi của người dân Lệ Thủy, nhằm mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc của người dân vùng sông nước, nhằm nhân lên sức mạnh của cộng đồng trong phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai.
Người dân Lệ Thủy tổ chức đua thuyền để trai gái được trổ tài bơi lội, chèo thuyền, cầu mong một năm thuận lợi. Từ sau Cách mạng tháng 8 thành công, người Lệ Thủy chọn ngày 2/9 tổ chức đua thuyền để vừa mừng Tết Độc lập, vừa duy trì lễ hội. Vậy nên các làng, xã tham dự giải đều rất nghiêm túc và quyết tâm để có thể đạt được kết quả cao. Nếu kết quả không tốt thì cũng phải thể hiện được độ chơi “đẹp” và tinh thần không nản chí của mình.
Với nhiều ý nghĩa, vào tháng 8/2019, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang được Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để làm được thuyền, người dân sẽ lên rừng tìm gỗ quý, phơi khô và đóng thuyền bằng bí quyết riêng. Có những thôn sẽ đóng mới thuyền, mỗi thôn có vài ba chiếc, có thôn thuyền sử dụng trong vài ba năm, sau mỗi lần thi đua sẽ được thôn lau chùi, cất giữ cẩn thận. Trước khi đưa thuyền xuống đua, trưởng thôn sẽ làm lễ cúng thần linh để mong thuyền đua về đích sớm nhất.
Những ngày diễn ra lễ hội đua thuyền, vùng đất Lệ Thủy náo nhiệt và sống động, lòng người nơi đây háo hức và phấn khởi theo các đội đua. Già trẻ, gái trai tập trung chật kín dọc bờ sông Kiến Giang, những thôn nào có đội đua sẽ có lực lượng cỗ vũ rất đông, họ sẽ mặc áo giống màu áo của đội đua, đầu đội khăn, tay cầm cờ cùng với đó là tiếng hò reo, cỗ vũ động viên các đội đua. Với khoảng 24km dọc theo đường đua, hai bên bờ sông Kiến Giang trở nên náo nhiệt, hàng ngàn người dân đến từ khắp nơi đổ về, họ đứng cả xuống dưới nước để hò hét, tát nước lên các thuyền đua mỗi khi chạy qua.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy, công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn huyện tích cực triển khai từ rất sớm. Sự chuẩn bị chu đáo và sự nhiệt tình của người dân đã tạo nên không khí sôi động, hào hứng cả tháng 8. Lễ hội năm nay thu hút sự tham gia của 34 thuyền, trong đó có 24 thuyền bơi nam và 10 thuyền đua nữ. Các đội thi đến từ các xã và thôn khác nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết và niềm tự hào địa phương. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây. Đây là dịp để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống và văn hóa của địa phương, đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng. Ngoài ý nghĩa thể thao, lễ hội còn mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh của huyện Lệ Thủy - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.
Qua lễ hội, người dân địa phương cùng nhau thể hiện lòng mến khách, sẵn sàng đón tiếp du khách từ khắp mọi miền đất nước đến với sông Kiến Giang để hòa mình vào không khí lễ hội sôi động và đậm chất văn hóa dân gian.
Lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2024 hứa hẹn sẽ là một sự kiện thành công, để lại những kỷ niệm đẹp cho người dân và du khách. Đây không chỉ là dịp để kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 mà còn là cơ hội để tôn vinh tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng yêu nước của người dân Lệ Thủy. Việc tổ chức và duy trì những lễ hội truyền thống như thế này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mà còn là cơ hội để kết nối cộng đồng, tạo nên một sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ hơn”.
Lễ hội năm nay thu hút sự tham gia của 34 thuyền, trong đó có 24 thuyền bơi nam và 10 thuyền đua nữ. Các đội thi đến từ các xã và thôn khác nhau. Về phần thuyền bơi nam, có sự tham gia của 4 đội từ các xã: Mai Thủy, Mỹ Thủy, Tân Thủy, Phú Thủy và 20 đội từ các thôn, tổ dân phố: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Thượng, Thạch Bàn, Phú Thọ, Thượng Giang, Xuân Giang, Xuân Hồi, Quy Hậu, Đông Thành, Tuy Lộc, An Xá, Đại Phong, Thượng Phong, Xuân Lai, Mai Hạ, Phan Xá, Hoàng Giang, Tiền Thiệp, Xuân Bồ. Các đội thuyền bơi nam sẽ thi đấu chia làm hai bảng (I và II) vào sáng 30/8/2024 để phân hạng A và B. Các đội sẽ thi đấu chung kết hạng A và B vào sáng ngày 02/9/2024. Với thuyền đua nữ, có 10 đội đến từ các thôn: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Thượng, Thạch Bàn, Phú Thọ, Xuân Hồi, Tuy Lộc, An Xá, Đại Phong và Thượng Phong. Các thuyền đua nữ sẽ tổ chức buông phao một lần vào sáng ngày 02/9/2024, hứa hẹn mang đến những cuộc đua gay cấn và sôi động. |
Thảo Nguyên
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/le-hoi-dua-thuyen-tren-que-huong-dai-tuong-a14132.html