Việc cung cấp thông tin là để phục vụ công tác điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương. Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.
Điểm đáng chú ý, trong danh sách 32 dự án điện sạch này có 4 dự án của TTC Group, bao gồm: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; Nhà máy điện gió Ia Bang 1; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre.
Cụ thể, Nhà máy điện gió la Bang 1 (50 MW) và Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW) do Công ty CP Điện Gia Lai (MCK: GEG, sàn HoSE) làm chủ đầu tư. Theo đó, Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được triển khai xây dựng vào tháng 10/2020, có tổng công suất lắp máy là 50MW. Tổng vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng. Trong đó 660 tỷ đồng từ vốn góp của nhà đầu tư, 1540 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 305.598 m². Đến tháng 10/2021, nhà máy đã hoàn thành và tiến hành đóng điện.
Còn Nhà máy điện gió VPL Bến Tre nằm ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được giới thiệu trên website của GEG là có công suất 30 MW, vận hành năm 2021.
Qua tìm hiểu, GEG là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC Group, bao gồm thủy điện - điện mặt trời - điện gió. Doanh nghiệp này sở hữu 12 công ty con trực tiếp, 5 công ty con gián tiếp và 2 công ty liên kết.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 (đã soát xét) của GEG, doanh nghiệp này hiện có cổ đông ngoại là Jera Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd nắm 35,1% cổ phần.
Ngoài ra, nhóm pháp nhân thuộc hệ sinh thái TTC Group đang nắm giữ tổng cộng 43,22% vốn của GEG gồm: Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công nắm 16,79%, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa nắm 10,99%, Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Bến Tre nắm giữ 6,33%; Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công nắm 3,83%. Còn 21,68% vốn còn lại của Điện Gia Lai thuộc sở hữu của các cổ đông khác.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính, nửa đầu năm 2024, GEG ghi nhận doanh thu đạt 1.127 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 128 tỉ đồng, lần lượt gần 10% và 15% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo tài chính quý II/2024, tại ngày 30/6/2024, GEG đang có dư nợ vay dài hạn lên tới 7.164 tỉ đồng tại Vietcombank. Đáng chú ý, Vietcombank còn ghi nhận dư nợ khoảng hơn 4.200 tỉ đồng tại hai dự án điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2. Còn tại dự án Điện gió Ia Bang 1 và Điện gió VPL Bến Tre, GEG cũng còn dư nợ vay dài hạn tại Vietcombank với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng.
Về Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1, dự án được khởi công xây dựng trên diện tích 22 ha, thuộc xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông), xã Tân Thành, xã Tăng Hòa, xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông), xã Yên Luông (huyện Gò Công Tây) và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Dự án có tổng công suất lắp máy 100 MW, được đầu tư lên đến 4.464,54 tỷ đồng. Trong đó, số vốn của nhà đầu tư chiếm 30%, tương đương 1.339,36 tỷ đồng; 70% số vốn còn lại là vốn vay ngân hàng, tương đương 3.125,28 tỷ đồng.
Còn dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50 MW, với mức đầu tư dự án khoảng 2.242 tỷ đồng. Dự án được đưa vào hoạt động 30/10/2021.
Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 cùng do Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang (Điện gió Tiền Giang) làm chủ đầu tư.
TTC Group làm ăn ra sao?
TTC Group được biết đến là doanh nghiệp đa ngành nghề gồm: Bất động sản, năng lượng, nông nghiệp và du lịch. Tập đoàn này đang được điều hành, lãnh đạo bởi ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT. Trong đó, bất động sản (TTC Land) được biết đến là ngành mũi nhọn của TTC Group.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 và quý I/2024, nợ phải trả của TTC Land vào thời điểm 31/3/2024 ghi nhận hơn 5.534 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 3.705 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 1.829 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản vay dài hạn của TTC Land gia tăng hơn 1.428 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 837 tỷ đồng vào đầu năm 2023.
Tại thời điểm 31/3/2024, TTC Land đang vay dài hạn Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) 1.316,8 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) 396,2 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) 110 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 97,6 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (PVBank) là 28,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vào cuối năm 2023, TTC Land có 525 tỷ đồng trong khoản nợ vay dài hạn được phân loại là nợ vay dài hạn đến hạn trả và con số này tiếp tục duy trì là 520 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024.
Cũng theo báo cáo, TTC Land có khoản nợ hơn 302,7 tỷ đồng vay nợ ngân hàng đến hạn thanh toán trong năm nay, gồm: BIDV hơn 220 tỷ đồng, Vietinbank hơn 43,8 tỷ, HDBank hơn 29,6 tỷ đồng và NamABank hơn 9,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, TTC Land còn vay tổ chức và cá nhân với số tiền 863 tỷ đồng; các khoản vay này chủ yếu được thực hiện với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của TTC Group. Ước tính lãi suất bình quân các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của TTC Land khoảng 11%/năm (theo BCTC) thì TTC Land phải chi trả lãi vay trên 330 tỷ đồng/năm.
Như vậy, có thể thấy, tổng số tiền mà TTC Land phải thanh toán cho các cá nhân, tổ chức và ngân hàng trong năm 2024 lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm: Hơn 302,7 tỷ vay nợ ngân hàng, 863 tỷ đồng vay tổ chức và cá nhân, 520 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn thanh toán và hơn 330 tỷ đồng tiền lãi (ước tính).
Trong bối cảnh áp lực trả nợ vay ngắn hạn đang rất lớn thì doanh thu trong quý I/2024 của TTC Land chỉ đạt khoảng 69,5 tỷ đồng chưa đến 10% kế hoạch doanh thu năm 2024 đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua là 705 tỷ đồng.
Tiền mặt của doanh nghiệp này chỉ khoảng 81 tỷ đồng. Các dự án đang triển khai trong suốt những năm qua của TTC Land cho thấy viễn cảnh ảm đạm còn kéo dài sang những năm tới. Nguyên nhân là phần lớn dự án đều rơi vào tình trạng đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường.
Còn Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS; mã: SBT; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp), theo báo cáo tài chính quý 4 niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2024 - 30/6/2024), thì doanh nghiệp này có doanh thu thuần đạt 9.490 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp chỉ tăng gần 5% so với cùng kỳ, đạt 906 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 9,5%, so với cùng kỳ đạt 12,7%.
Doanh thu tài chính mang về cho TTC AgriS 280 tỷ đồng, tăng 16% so với quý 2/2023. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 10% về mức 517 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 410 tỷ đồng, giảm 23%. Chi phí bán hàng giảm nhẹ về mức 164 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý tăng 41% lên 274 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TTC AgriS trong quý cuối niên độ đạt 214 tỷ đồng, gấp 3 lần con số 71 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước.
Tuy nhiên, nợ phải trả của SBT ở mức hơn 22.900 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng sau một năm. Trong đó vay nợ tài chính chiếm gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.300 tỷ đồng so với đầu niên độ. Trong một năm qua, công ty phải trả hơn 1.700 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 14% so với niên độ trước.
Hồng Vũ
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nhung-du-an-nang-luong-nao-cua-ttc-group-lot-vao-tam-ngam-cua-co-quan-dieu-tra-bo-cong-an-a14113.html