Kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa

Chiều 27/8 tại Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Quốc khánh 2/9 và hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, quận Bắc Từ Liêm có nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận hiện có 135 di tích, trong đó có 35 di sản văn hóa phi vật thể, 29 lễ hội truyền thống, 26 di tích cách mạng kháng chiến như: Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng, làng khoa bảng, làng cổ Đông Ngạc…

dinh-chem-pld-1724756014.jpg
Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm thuộc quận Bắc Từ Liêm.

Quận Bắc Từ Liêm với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, ghi dấu ấn phát triển của người Việt cổ với hệ thống dày đặc các Đình, Đền, Chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia. Các di tích nổi tiếng như: Đình Nhật Tảo, Đình Thượng Cát, Đình Hoàng..., Chùa Chèm, Chùa Vẽ, các đền thờ danh nhân như: đền thờ Đỗ Thế Giai, đền thờ họ Phạm, các lễ hội nổi tiếng như: hội bơi đăm tại làng hoa Tây Tựu...

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô” là định hướng lớn của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. 

Tuy nhiên, việc khai thác di sản văn hóa, phát triển kinh tế du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo trên địa bàn quận còn gặp nhiều thách thức về cơ chế, nhận thức, cách thức tổ chức triển khai tại cơ sở...

Tại hội thảo, lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm nhận định, hiện nay, việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển du lịch trên địa bàn quận còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế tổ chức và triển khai, phát triển sản phẩm cũng như thị trường. Thêm vào đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động du lịch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch cũng hạn chế.

di-san-van-hoa-bac-tu-liem-pld-1724756014.jpg
Hội thảo “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”.

Góp ý giải pháp để thúc đẩy du lịch văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TS. Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hoá Du lịch, Trường Đại học Thủ đô đề nghị, cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử văn hóa của quận. Đồng thời khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành tour du lịch đường sông đặc sắc.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc nhận định, trong khu vực, quận Bắc Từ Liêm cần coi trọng không gian văn hóa của cư dân vùng ven sông Hồng, nơi có nhiều nền tảng giá trị cốt lõi từ thời kỳ văn minh Văn Lang – Âu Lạc, mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng dân cư ven kinh đô Thăng Long xưa. Vì vậy, nên chọn khu vực Đông Ngạc (làng khoa bảng của Thăng Long xưa) cùng với đình Chèm (di tích quốc gia đặc biệt) để xây dựng một không gian văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng về văn hóa của Bắc Từ Liêm.

“Trong không gian văn hóa lịch sử đó có đủ vốn văn hóa để các nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học, kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm văn hóa du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách. Đây thực sự là không gian tốt để thực hiện các lĩnh vực công nghiệp văn hóa” – ông Cường cho hay.

Các nhà khoa học cũng đồng ý, quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục coi trọng nguồn lực văn hóa bắt đầu từ cộng đồng dân cư trên vùng đất có di sản văn hóa. Đồng thời xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm phù hợp với các đối tượng, trong đó chú ý đến đối tượng trẻ bằng việc khai thác vùng ven sông và mặt nước sông Hồng trở thành không gian sáng tạo...

Hạ Anh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ket-noi-chuoi-gia-tri-di-san-van-hoa-du-lich-trong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-a14093.html