Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay

Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một nhu cầu cấp thiết và là yếu tố mang tính quyết định đối với hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam ta để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.

nhan-luc-1724645290.jpg
So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động khá dồi dào.

Chủ trương và thực trạng phát triển nguồn nhân lực nước ta hiện nay

*Chủ trương đúng đắn

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đó là: có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng, có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.

Kế thừa tinh thần các Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới – thời kỳ của khoa học và công nghệ.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong những giải pháp được đưa ra để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một định hướng quan trọng, đúng đắn nhằm tháo gỡ một trong những điểm nghẽn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

*Thực trạng phát triển

Từ những chủ trương của Đảng, nguồn nhân lực của Việt Nam đến nay đã có những bước chuyển mạnh mẽ. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động khá dồi dào. Theo số liệu thống kê năm năm 2021, tổng dân số Việt Nam là 98,51 triệu người, trong đó có 50,5 triệu người đang ở độ tuổi lao động, chiếm tới 67,7% dân số. Tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam đã tăng từ 0,66 lên 0,69 trong 10 năm 2010 - 2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2022: Lực lượng lao động trung bình cả nước là 51,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2021 (tăng 2,4% so với năm 2021). Lực lượng lao động bao gồm 50,6 triệu người có việc làm và 1,1 triệu người thất nghiệp. Nữ giới (46,8%) chiếm tỷ trọng thấp hơn nam giới (53,2%). Mặc dù có sự tăng lên về tỷ trọng lực lượng lao động ở khu vực thành thị trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn 62,8% lực lượng lao động nước ta tập trung ở khu vực nông thôn. Cũng trong năm 2022, có khoảng hơn 2/3 dân số từ 15 tuổi trở lên (chiếm 68,6%) tham gia lực lượng lao động, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Cơ cấu lao động theo ngành thời gian qua được đánh giá thông qua số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 48,7% năm 2010 xuống 27,6% năm 2022, tương ứng là 14,1 triệu lao động. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thể hiện rõ khi tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 29,6% năm 2010 lên 39,1% năm 2022. Lượng lao động ngành này chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản… Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng dao động nhẹ và ổn định khoảng 32,25% tổng nhu cầu lao động trong giai đoạn 2019 - 2022 và đạt mức 33,3% năm 2022…

Một thực tế đáng quan tâm (những hạn chế) là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở Việt Nam còn khá lớn, chất lượng đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Do đó, hiện nước ta đang thiếu công nhân có kỹ năng lao động cao, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; nhưng thừa lao động thủ công, không qua đào tạo. Trong khi đó, cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ hiện nay  không còn mang lại hiệu quả cao. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong khoảng 34 năm và kết thúc vào năm 2041. Như vậy, chúng ta đã trải qua hơn 10 năm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng thực tế cho thấy giá trị thặng dư, hiệu suất kinh tế chưa tương xứng với số lượng lao động hiện có của cả nước. Điều này thể hiện rõ ở việc năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.  Đó cũng là do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Nội hàm về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đã được xác định rõ hơn, đó là “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” và cần tiếp tục gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với “ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Chính vì vậy, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII đã đề ra định hướng tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; bao gồm những nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.  Nhìn chung hiện nay, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhưng lại chưa được các cấp, các ngành và các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, phải coi đây nguồn tài nguyên quý giá nhất đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Cần xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà trường, doanh nghiệp, gia đình cũng như mỗi cá nhân.

Thứ haiđổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, cũng như về trí lực và thể lực. Giáo dục và đào tạo chính là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố cơ bản nhất đưa đến thành công của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự là phương tiện đắc lực để phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Chú trọng trang bị các kỹ năng mềm cho người học; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp ngay từ bậc học phổ thông giúp người học có định hướng đúng đắn, từ đó xác định động cơ và học tập rõ ràng.

Thứ ba, có chính sách đãi ngộ để thu hút, sử dụng và phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực.

Thực tế ở Việt Nam, nhân lực chất lượng cao chủ yếu làm việc cho khu vực công, có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ mà chủ yếu là tiền lương vẫn nằm trong hệ thống thang, bảng lương chung đối với công chức, viên chức, vốn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội hiện nay.

Từ thực tế hiện nay, cần nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương theo nguyên tắc thị trường; xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao động. Việc trọng dụng và sử dụng nhân tài phải đi đôi với chế độ đãi ngộ tương xứng, giúp những người tài thực sự yên tâm tập trung vào công việc, đồn hết tâm huyết, trí tuệ vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, các ngành công nghiệp nền tảng.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, quyết định đến thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Công nghiệp nền tảng (như xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 17/11/2022), bao gồm các ngành: luyện kim; cơ khí chế tạo; hóa chất; công nghiệp năng lượng; vật liệu; công nghệ số…/

Ths. Tô Văn Dư

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-cua-nuoc-ta-hien-nay-a14073.html