Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được hơn một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Cụ thể, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.
Kinh tế nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế. Vấn đề thể chế, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là bài toán nan giải đối với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu lao động có kỹ năng. Theo báo cáo của VCCI, trong năm 2024, chỉ khoảng 27% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất, thấp hơn 5 điểm phần trăm số kỳ vọng của năm 2022. Khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh qua số doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất cao, có thời điểm cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 119.612 doanh nghiệp gia nhập thị trường, có 110.316 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm cả nước có 19.935 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 18.386 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đối với nền kinh tế, số doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh bị suy giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức thì báo cáo tài chính mới nhất của một số doanh nghiệp cho thấy các tổng giám đốc (CEO) và thành viên hội đồng quản trị vẫn đang hưởng mức thu nhập cao ngất.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 cho biết nhóm lãnh đạo cấp cao bao gồm Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc và Ban kiểm soát nhận tổng mức thù lao hơn 96,6 tỷ đồng, tăng gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu nhập của dàn lãnh đạo Sacombank nửa đầu năm mặc dù không biến động nhiều so với cùng kỳ 2023, nhưng đặc biệt tăng cao với Hội đồng quản trị. Theo đó, Sacombank chi hơn 32,2 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên HĐQT, tăng gần 10,5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 6, Hội đồng quản trị của Sacombank có 7 người, bao gồm Chủ tịch là ông Dương Công Minh, 2 Phó chủ tịch là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm và ông Phạm Văn Phong và 4 Thành viên là ông Phan Đình Tuệ, ông Nguyễn Xuân Vũ, ông Vương Công Đức, bà Phạm Thị Thu Hằng. Với tổng mức chi này, bình quân 6 tháng mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận hơn 4,6 tỷ đồng, tương đương 768 triệu/người/tháng.
Với Ban tổng giám đốc gồm 11 người, Sacombank chi hơn 54 tỷ đồng để trả thù lao, giảm gần 9,4 tỷ đồng so với nửa đầu năm trước. Trung bình các thành viên trong ban điều hành được nhận mức lương thưởng hơn 4,9 tỷ đồng, tương ứng khoảng 818 triệu đồng/người/ tháng.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland), ông Ng Tech Yow, tổng giám đốc Novaland, nhận mức lương gần 2,5 tỉ đồng trong 6 tháng, ngoài ra ông còn nhận khoản thù lao 60 triệu đồng vai trò thành viên hội đồng quản trị. Như vậy trong bình mỗi tháng ông Ng Tech Yow "bỏ túi" khoản tiền lương và thu nhập khoảng 423 triệu đồng.
Trong khi đó, lương của ông Dương Văn Bắc, hiện giữ chức vụ giám đốc tài chính của Novaland là hơn 1,4 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương mỗi tháng nhận 238 triệu đồng.
Tại Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, ông Bùi Quang Anh Vũ, CEO Phát Đạt, nhận mức thu nhập hơn 1,4 tỉ đồng trong quý 2, tức mỗi tháng nhận được số tiền gần 470 triệu đồng từ doanh nghiệp địa ốc này.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, ông Bùi Ngọc Đức, thành viên hội đồng quản trị kiêm CEO, có thu nhập dẫn đầu, với hơn 2 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm (tăng gần 600 triệu đồng so với cùng kỳ), tương đương hơn 340 triệu đồng/tháng. Còn bà Đỗ Thị Thái, thành viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc Đất Xanh có mức lương hơn 1 tỉ đồng.
Tại Tổng công ty IDICO, ông Đặng Chính Trung, CEO của IDICO, nhận về khoản thu nhập 1,7 tỉ đồng, tương đương hơn 280 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo tài chính bán niên mới nhất, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau trả thù lao hơn 15,2 tỷ đồng cho các thành viên ban lãnh đạo, giảm 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng giảm 14,3%. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, 2 thành viên ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận thu lao “khủng” nhất là ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch HĐQT và ông Văn Tiến Thanh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, với số tiền hơn 1,42 tỷ đồng mỗi người, tương ứng mỗi tháng ông Trần Ngọc Nguyên và ông Văn Tiến Thanh nhận về gần 240 triệu đồng/người.
Minh Quân - Nhật Tân
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/soi-thu-nhap-cua-mot-so-lanh-dao-doanh-nghiep-thoi-kinh-te-kho-khan-a14048.html