Một số dự án của Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh - Trung Nam Group bị cơ quan điều tra (Bộ Công an) yêu cầu cung cấp hồ sơ

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...

Việc cung cấp thông tin là để phục vụ công tác điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương. Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.

Điểm đáng chú ý, trong danh sách 32 dự án điện sạch này có một số dự án của Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group).

Cụ thể, dự án Trung Nam – Thuận Nam (thuộc tỉnh Ninh Thuận) do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, có công suất 450 MW kết hợp Trạm biến áp 500Kv. Tổng chi phí xây dựng dự án của Trung Nam Group là 12.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng thêm đường truyền tải và trạm biến áp 500 kV với tổng chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng chính thức đưa vào vận hành đồng bộ kể từ ngày 01/10/2020.

to-hop-dien-trung-nam-ninh-thuan-1-1723708204.jpeg
Dự án Trung Nam – Thuận Nam có công suất 450 MW kết hợp Trạm biến áp 500Kv của Trung Nam Group.

Tiếp đó, dự án Trung Nam – Thuận Bắc, Điện gió Ea Nam Đắk Lắk. Dự án nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk với tổng công suất 400 MW, hoàn thành trong năm 2021. Trung Nam Group cho biết tổng mức đầu tư dự án trên 16.500 tỷ đồng.

Dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc cũng do Trung Nam Group đầu tư nhưng hiện nhiều khả năng không còn nắm kiểm soát dự án này.

Năm 2021, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua lại 49% cổ phần nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc. Gần đây, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Tái Tạo Á Châu, công ty con của ACIT cũng nhận chuyển nhượng thêm 18 triệu cổ phần (tương đương 18% vốn) của Điện Mặt Trời Trung Nam, chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc. Như vậy, ACIT có thể ghi nhận công ty này là công ty con, còn nhóm Trung Nam có thể sẽ mất quyền kiểm soát Điện Mặt Trời Trung Nam.

Xuất hiện một số vi phạm

Theo Kết luận thanh tra Chính phủ số 3116 về Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh ban hành ngày 25/12/2023, đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc (công suất 204 MW) và dự án Trung Nam - Thuận Nam, việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư của hai dự án này chưa thực hiện đúng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, Điểm c Khoản 1 và Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43 ngày 15/5/2014.

Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, kết luận thanh tra cho rằng còn có trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan tham mưu có liên quan thuộc UBND tỉnh.

Với dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) làm chủ đầu tư, thời gian qua, doanh nghiệp này có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Chính phủ về việc phần công suất 172 MW bị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định).

0106-tn-1723708645.png
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group.

Theo đó nguyên nhâ, trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Trung Nam thừa nhận vướng mắc là dự án được xây dựng trên ba xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, huyện Thuận Nam nhưng giấy phép hoạt động điện lực chỉ thể hiện ở xã Phước Minh.

Chính vì vậy, từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh. Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỉ đồng.

"Đối với phần đủ quy định pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt", đại diện EVN khẳng định.

Theo EVN, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực, họ chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán là đúng.

"EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật, không thể tự quyết định", đại diện EVN phản hồi, thêm rằng Trung Nam cần hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng pháp luật trước khi kêu cứu.

Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh

Cuối tháng 5/2024, Cục Hải quan Khánh Hòa đã có Thông báo số 592/TBXC-HQKH về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), có địa chỉ tại TP.HCM.

Nguyên nhân khiến ông Thịnh bị tạm hoãn xuất cảnh là do doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Cụ thể, Trung Nam Group do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian thực hiện từ ngày 6/5 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Trước đó, ngày 12/1/2024, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Nam Group.

trung-nam-group2-wbvn-1723708204.png
Hệ sinh thái của ông Nguyễn Tâm Thịnh hiện là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Trung Nam.

Quyết định nêu rõ, Trung Nam Group chấp hành không nghiêm Quyết định số 195/QĐ-HQKH ngày 12/5/2023 của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa về việc ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu và Thông báo số 1106/TB-HQNTh ngày 11/12/2023 của Chi cục Hải quan Ninh Thuận về tiền thuế, tiền chậm nộp còn thiếu.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời gian 1 năm kể từ ngày 19/1/2024. Quyết định được chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 21,1 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 1/2024, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Nam Group. Lý do bị cưỡng chế là do Trung Nam Group đã nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế hơn 27,5 tỷ đồng.

Trung Nam Group thành lập tháng 11/2004, Ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Tại thời điểm tháng 10/2015, Trung Nam Group thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 1.490 tỷ đồng lên 1.886,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 1/2022 vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt gần 21.000 tỷ đồng (gấp hơn 11 năm so với năm 2015). Tính tới cuối năm 2022, Trung Nam Group (công ty mẹ) có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 4.530 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 9,5-10%/năm.

Ngoài ra, nhiều công ty thành viên trong "hệ sinh thái" Trung Nam Group cũng có dư nợ trái phiếu lớn, bao gồm: Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 với 9.798 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam với 4.943,9 tỷ đồng và Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam với 2.289 tỷ đồng.

Hồng Vũ

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/mot-so-du-an-cua-chu-tich-nguyen-tam-thinh-trung-nam-group-bi-co-quan-dieu-tra-bo-cong-an-yeu-cau-cung-cap-ho-so-a13998.html