Kết nối thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP Quảng Bình

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn, gồm 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 107 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 58 Hợp tác xã, 21 doanh nghiệp và 28 hộ kinh doanh cá thể.

Trong số 168 sản phẩm OCOP được công nhận, ngoài các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, vẫn còn một số sản phẩm trùng lặp, mang tính phổ biến như nước mắm, hải sản, mật ong, gạo… Các sản phẩm này do nhiều chủ thể sản xuất ra, chủ yếu là qua công đoạn sơ chế, chế biến đơn giản, quy trình sản xuất chưa có nhiều điểm khác biệt, nổi bật hơn so với sản phẩm cùng loại ở trong và ngoài tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới Quảng Bình cần triển khai một số giải pháp cụ thể: Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa các chủ thể kinh tế, liên kết cấp xã, huyện để cùng sản xuất một sản phẩm OCOP cùng chủng loại, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh.

Quảng Bình khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư, nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP để tạo ra sự khác biệt, nổi trội của sản phẩm gồm phần gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang bán hàng Facebook, Zalo. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho chủ thể kinh tế về kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

b3c580f420da8584dccb-1722831437.jpg
 

Theo Văn phòng Điều phối chương trình MTQG Quảng Bình xây dựng nông thôn mới, các chủ thể kinh tế OCOP khi tham gia chương trình được hưởng lợi một số chính sách của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới như: Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh, trong năm 2023 ngành Nông nghiệp đã tổ chức 6 lượt tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong nước. Đến nay, toàn tỉnh có 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó có 03 điểm tư nhân, 01 điểm của cấp huyện), dự kiến trong năm 2024 toàn tỉnh sẽ có thêm 3-5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Theo đó, Kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho chương trình OCOP là thực hiện các nội dung: Dự án nâng cao năng lực sơ chế, chế biến quy mô vừa và nhỏ cho các chủ thể OCOP; Dự án xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Phát -triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liên với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình chia sẻ, Quảng Bình đã tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm trong chương trình OCOP và các hoạt động kết nối những sản phẩm trong chương trình này vào các điểm bán tại địa phương.

Thông qua, các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Một số sản phẩm OCOP nổi bật như: Nước mắm Ngọc Biển, nước mắm Long Tám, Mực ống Thanh Quang, Cá bờm trắng Vương Đoàn, Khoai gieo Linh Huệ, Bột bánh canh Kính hương, Bột bánh lọc Long Giang, Tinh bột nghệ Vân Di, Nấm Linh chi Tuấn Linh, Cao thìa canh Thanh Bình; các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ: ống hút tre An Mã, đũa gỗ Quảng Thủy, mây tre đan Vân Sơn...

Thảo Nguyên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ket-noi-thuong-mai-tim-dau-ra-cho-san-pham-ocop-quang-binh-a13885.html