Chuyển giao thế thệ hay chỉ là…
Theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, trong vài năm trở lại đây, những doanh nghiệp quy mô lớn như: Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Doji hay gần đầy nhất là Tập Đoàn Đất Xanh... đã chứng kiến các vị Chủ tịch HĐQT lâu năm của doanh nghiệp từ nhiệm ở vị trí cao nhất tại doanh nghiệp mà bản thân họ đã dày công sáng lập, xây dựng và phát triển để nhận những chức danh “chưa có tiền lệ” như: Chủ tịch Hội Đồng sáng lập, Chủ tịch Hội Đồng Chiến lược... Hầu hết, đây là những động thái tuân thủ theo quy định Pháp luật đối với Công ty cổ phần đại chúng.
Nếu như, ông Đỗ Minh Phú từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Doji để nhận một chức danh khác, về mặt pháp lý gần như “vô thưởng, vô phạt”... Chủ tịch Hội đồng sáng lập trong bình yên thì ông Lê Viết Hải không được như thế. Sự xáo trộn từ phía “thượng tầng” của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không có yếu tố... tình thân giống như trường hợp của ông Đỗ Minh Phú. Mặc dầu, cùng là tuân thủ quy định pháp luật đối với Công ty Cổ phần đại chúng. Nhưng, ông Đỗ Minh Phú có nhiều lợi thế hơn bởi hai lý do:
Thứ nhất: Tập đoàn Doji không phải là doanh nghiệp cổ phần đại chúng theo Luật chứng khoán nên không cần công bố thông tin lãnh đạo. Trên thực tế, doanh nghiệp này không có chức danh Chủ tịch HĐQT. Hai chức danh chủ chốt khác là: Phó chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đều do các con của ông Phú đảm trách.
Thứ hai: Yếu tố “tín thác” vẫn rất quan trọng trong hoạt động duy trì tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược của các ông chủ thực sự của doanh nghiệp. Ông chủ chỉ cần người “đáng tin cậy” ngồi vào chiếc ghế cao nhất tại doanh nghiệp để thực thi chiến lược mà các ông chủ đề ra.
Trong khi, ở vị trí cao nhất tại Doji ông Đỗ Minh Phú vẫn toàn quyền quyết định nhưng theo phương thức “buông rèm nhiếp chính” của các Thái thượng hoàng trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam trước đây. Ông Lê Viết Hải không thể làm điều tương tự bởi khác biệt tư duy quản trị gây xung đột lợi ích và thực quyền đối với người kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Công Phú - vốn dĩ chưa phải là “người tín cẩn” như trường hợp của ông Đỗ Minh Phú.
Thời gian gần đây, ông Lương Trí Thìn – cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh đã “nối gót” ông Đỗ Minh Phú từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT để nhận một chức danh khác “vô thưởng, vô phạt” và “chưa có tiền lệ” tại Tập đoàn Đất Xanh đó là Chủ tịch Hội đồng Chiến lược. Người thay thế ông Thìn là một nhân vật được cho là rất tín cẩn đối với cá nhân ông Thìn... Liệu rằng, ông Lương Trí Thìn có áp dụng phương thức “buông rèm nhiệp chính” tương tự như cách ông Đỗ Minh Phú đã và đang thực hiện?
Quyền lợi cổ đông, liệu có được đảm bảo?
Một số ý kiến cho rằng, ông Lương Trí Thìn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT để nhận nhiệm vụ mới là động thái tích cực đang “tái cấu trúc” Tập đoàn trước một vài ồn ào liên quan đến Tập đoàn Đất Xanh gần đây. Tuy nhiên, theo chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu khẳng định “không có yếu tố tái cấu trúc doanh nghiệp” nào đang diễn ra tại Tập đoàn Đất Xanh. Bởi rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp phải xuất phát từ ý chí và quyết tâm của chủ doanh nghiệp, được thể hiện rõ nét nhất ở tư duy quản trị và hệ thống quản trị thượng tầng.
Được biết, ông Lương Ngọc Huy – tân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh và người thân trong gia đình không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu DXG nào. Điều này, chứng tỏ mặc dầu ông Lương Ngọc Huy nắm giữ vị trí quản trị cao nhất tại doanh nghiệp nhưng cũng chỉ là người làm thuê chuyên nghiệp hay nói cách khác ông Huy là “Lãnh đạo ủy quyền” tại Tập đoàn Đất Xanh và người “Lãnh đạo thực quyền” lại là ông Lương Trí Thìn, kể cả khi ông Thìn không còn là Chủ tịch HĐQT.
Hiện tại, vẫn chưa rõ Hội đồng chiến lược mà ông Thìn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch có mục tiêu hoạt động như thế nào, quy chế hoạt động ra sao? Liệu rằng, có can thiệp sâu sắc vào hoạt động của HĐQT doanh nghiệp hay không? Trong khi, nhiệm vụ của HĐQT là đề ra các mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược mang tính trung và dài hạn. Lưu ý rằng, trong sơ đồ tổ chức doanh nghiệp (Cty Cổ Phần) thì bất kỳ Hội đồng nào được lập ra đều có quyền hạn, nghĩa vụ “tư vấn/cố vấn” cho Hội đồng quản trị và Chủ tịch HĐQT về các chiến lược, quyết sách mang tính vĩ mô và căn cơ... không được phép can thiệp thái quá.
Là một lãnh đạo thực quyền và cũng là cổ đông lớn nhất tại Tập Đoàn Đất Xanh. Khó có thể nói, ông Thìn sẽ không can thiệp sâu sắc vào hoạt động của HĐQT của Tập đoàn. Nếu ông Lương Trí Thìn đã từ nhiệm Chủ tịch HĐQT mà vẫn “chi phối” sâu sắc vào hoạt động của HĐQT thì việc từ nhiệm không khác gì đối với việc “buông rèm, nhiếp chính” của các Thái Thượng Hoàng thời phong kiến ngày xưa. Với Tư duy quản trị, phong cách quản trị và cách làm cũ của ông Thìn nếu vẫn tiếp tục “chi phối” hoạt động của HĐQT Tập đoàn Đất Xanh thì hoàn toàn sẽ không thể xuất hiện kết quả mới, khả quan hơn như những gì mà các cổ đông đã mong đợi...
Nói thêm về vấn đề này, Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới thời nhà Trần đã không ít những vị vua vẫn còn rất minh mẫn và sức khỏe vẫn rất tốt nhưng chấp nhận lùi về sau nhường ngôi cho thế hệ kế cận với thân phận, chức danh khác... “Thái Thượng Hoàng”. Tuy nhiên, họ vẫn nắm giữ hoàn toàn các quyền nhiếp chính, quyền can thiệp nội bộ hay thậm chí quyền “phế truất” hoàng đế khi cần. Trên thực tế, họ vẫn là Vua, vẫn là người nắm giữ mọi quyền hành trong tổ chức/bộ máy chính quyền và quyền lực ấy sẽ không bị hạn chế cho đến khi họ thật sự muốn từ bỏ hoặc qua đời...
Xét ở góc độ đế chế doanh nghiệp, ông chủ doanh nghiệp là vị Vua không ngai trong phạm vi hẹp tại doanh nghiệp của họ. Trên thực tế, chủ doanh nghiệp không nhất thiết phải giữ khư khư chiếc ghế “Chủ tịch HĐQT” hay người đại diện pháp luật. Thay đổi chức danh hay thay đổi vị trí vẫn không thể thay đổi bản chất của đế chế doanh nghiệp đó. Ông chủ vẫn là ông chủ, quyền lực của họ vẫn không thay đổi, tương tự danh vị “Thái thượng hoàng”...
Quang Bình
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/khi-cac-ong-chu-buong-rem-nhiep-chinh-binh-moi-ruou-cu-a13868.html