Các sản phẩm nông sản Quảng Bình cần làm gì để chinh phục thị trường nước ngoài?

Các sản phẩm tạo ra từ chương trình OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hóa truyền thống, đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để xuất khẩu sang các nước cần có hiểu rõ pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn khi xuất sang các nước

Hoàn thiện các tiêu chí quan trọng gồm: Giấy phép môi trường, chứng nhận xuất khẩu FDA

Theo thông tin từ Sở Công thương Quảng Bình, hiện nay số lượng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình tham gia hoạt động xuất nhập khẩu là khoảng 45 đơn vị, thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á (hưởng các ưu đãi từ Hiệp định ATIGA), có một số ít các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian với thị trường chính là Trung Quốc.

Các hình thức xuất khẩu trong thương mại biên giới qua địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất khẩu kinh doanh, xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu, xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh buôn bán sản phẩm nông sản chủ yếu được thu mua bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu của các tỉnh hoặc tham gia hoạt động trao đổi mua bán với thị trường Lào, Đông bắc Thái Lan thông qua cư dân biên giới.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia Quảng Bình cho biết, có thể nói rằng các sản phẩm OCOP của Quảng Bình rất đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, đặc biệt có một số sản phẩm rất đặc trưng, mang yếu tố văn hoá, truyền thống của tỉnh như: Khoai gieo, nước mắm truyền thống, yến, cá bờm trắng, nước mắm mực, nước mắm nấm, hải sản chế biến, dược liệu, đũa gỗ. Đây cũng là yếu tố giúp cho các sản phẩm chiếm một phần ưu thế khi phân phối tại các thị trường trong nước.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-130054-1722056221.png
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình ngày càng đa dạng về mẫu mã và sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, các chủ thể kinh tế cần tiếp tục mở rộng quy mô thông qua hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm gia tăng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó cần hoàn thiện các tiêu chí quan trọng gồm: Giấy phép môi trường, chứng nhận xuất khẩu FDA, ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử theo chuỗi giá trị, thiết kế lại bao bì nhãn mác theo hướng hiện đại, sang trọng. Có như vậy thì các sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình nếu rõ, Quảng Bình thông qua các kế hoạch trên để tập trung phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, xây dựng mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hàng hoá, hồ sơ thủ tục pháp lý khi tham gia thị trường xuất khẩu; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững.

Mở rộng quy mô, ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Thủy hải sản, tinh bột sắn, nông sản, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.

Tra cứu 100% C/O mẫu D điện tử, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục hải quan...

Theo ông Phan Hoài Nam - Phó Gám đốc Sở Công thươg, thời gian tới Bộ Công thương, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục phê duyệt hỗ trợ tỉnh Quảng Bình các chương trình, đề án đăng ký hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh về xuất, nhập khẩu; hội nhập kinh tế quốc tế; tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương cấp khu vực trong nước và quốc tế.

Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan đang tạo điều kiện, hướng dẫn hỗ trợ cập nhật thông tin và giới thiệu tỉnh Quảng Bình trên Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư vào Công nghiệp Việt Nam (investvietnam.gov.vn), kết nối cơ sở dữ liệu vùng sản xuất và nguyên liệu với đối tác nước ngoài, giới thiệu thế mạnh của Quảng Bình trên nền tảng số, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Bình tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến, tham gia Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (DECOBIZ) và kinh doanh kết nối với thị trường xuất khẩu trên nền tảng online.

f6f77d93e22840761939-1722056296.jpg
Quảng Bình cũng đang rất chú trọng công tác xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra nước ngoài.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, ông Trần Văn Tráng, Cục phó Cục Hải quan Quảng Bình cho biết, ngành Hải quan duy trì thực hiện vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện quy trình thủ tục hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan chức năng.

Đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100%, hệ thống VNACCS (tỷ lệ 99.9%), một cửa quốc gia đối với tàu biển (tỷ lệ 100%), kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN (tra cứu 100% C/O mẫu D điện tử), qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục hải quan, hạn chế giấy tờ, thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp...

 Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để chương trình có hiệu quả hơn, và đưa được các mặt hàng xuất khẩu sang các nước, doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng cần hỗ trợ giúp sức trong vấn đề pháp lý và xây dựng bộ tiêu chuẩn theo đúng quy trình khi xuât khẩu vào các nước.

Thảo Nguyên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-san-pham-nong-san-quang-binh-can-lam-gi-de-chinh-phuc-thi-truong-nuoc-ngoai-a13820.html