Ông Trần Đình Hiệp: Chương trình OCOP Quảng Bình đã mang lại những kết quả tích cực, khi người dân làm giàu được ngay trên quê hương

Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về chương trình OCOP, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình.

PV: Thưa ông, sau gần 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP), ông có thể chia sẻ kết quả của Chương trình đối với sự phát triển kinh tế nông thôn hiện nay?

02dc452c2a8a88d4d19b-1721018864.jpg
Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình (áo trắng ở giữa) tại một sự kiện giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Đình Hiệp: Chương trình OCOP là một chương trình lớn của ngành nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã. Thời gian qua tất cả các địa phương đều đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chương trình này. Đến nay toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn, gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao, với 107 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể. Số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao). Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như Cam, Tiêu, bột nghệ, mật ong… Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người nông dân.

Khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể, cơ sở sản xuất đang dần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hàng hóa thông qua các hoạt động rất cụ thể là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mẫu mã, chất lượng, quy trình sản xuất, và chương trình OCOP chính là hướng đi như vậy. Chương trình đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở tỉnh ta, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản vật hiện có, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, qua đó giải quyết các vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM (thu nhập nông thôn bình quân đầu người tăng từ 35 triệu đồng/người/năm tăng lên 43,56 triệu đồng/người/năm trong năm 2023. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 11,65%, đến hết năm 2023 giảm còn 9,51%).

PV: Thưa ông, một trong những giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất của các chủ thể OCOP phải là những người đầu tiên có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình. Họ phải tư duy, nghiên cứu và phải trên cơ sở hiểu biết về tiềm năng, lợi thế của địa phương để từ đó đưa ra các ý tưởng để tạo ra được các sản phẩm mới trong quá trình sản xuất?

Ông Trần Đình Hiệp: Đây chính là ý nghĩa của chương trình OCOP, đó là khơi dậy sự sáng tạo của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP, nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, tạo ra sân chơi cho các chủ thể kinh tế, do đó mỗi một người dân, chủ thể kinh tế khi tham gia chương trình OCOP ngoài việc phát triển các sản phẩm tiềm năng sẵn có ở địa phương, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm mới, mang tính độc đáo, đặc sắc theo lợi thế từng vùng miền, có như vậy thì mới khai thác tối đa các giá trị hiện có về tài nguyên, văn hóa, nguồn lao động. Bên cạnh tạo ra các dòng sản phẩm mới, nhà nước sẽ luôn đồng hành để tư vấn, hỗ trợ chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm, áp dụng các cơ chế, chính sách hiện có để hỗ trợ xây dựng các tiêu chí liên quan đến sản phẩm.

c44d4a2a4eacecf2b5bd-1721018971.jpg
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ người dân phát triển được nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao. Đồng thời, được người tiêu dùng đón nhận.

PV: Để “chắp cánh”, đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh ta triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể từ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ xúc tiến thương mại như thế nào thưa ông?

Ông Trần Đình Hiệp: Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP, cùng với các cơ chế, chính sách hiện có của Chương trình, Sở NN - PTNT đã áp dụng các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương và địa phương để hỗ trợ chủ thể kinh tế triển khai các nội dung về tuyên truyền, tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; Hỗ trợ công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; Tư vấn, hỗ trợ chủ thể trong việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm; Đặc biệt là thường xuyên hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường lớn, có tiềm năng. Qua đó hiện nay có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bày bán, tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Đinh Loan thực hiện

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tran-dinh-hiep-chuong-trinh-ocop-quang-binh-da-mang-lai-nhung-ket-qua-tich-cuc-ho-tro-nguoi-dan-lam-giau-ngay-tren-que-huong-a13713.html