Nông nghiệp xanh - Hướng phát triển bền vững tại Quảng Bình

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh thông qua các chính sách đầu tư, hỗ trợ, triển khai xây dựng các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ…, nên tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã và đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, đến nay, toàn tỉnh có gần 5.500ha diện tích canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP. Trong đó, diện tích lúa SRI hơn 5.000ha, lúa theo hướng hữu cơ 100ha, rau các loại 112ha, cây ăn quả 10ha. Diện tích chăn nuôi theo hướng hữu cơ khoảng 52ha, nuôi trồng thủy sản hơn 200ha. Có 2 mô hình sản xuất là doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ khu vực như VietGAP, GlobalGAP và các trang trại, nhóm nông hộ chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN, ATTP…; có 11 cơ sở được cấp mã số vùng trồng và 70 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP; có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận; có gần 6.800 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn...

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, mặc dù, đạt được một số kết quả bước đầu trong hành trình hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, tuy nhiên việc đẩy mạnh phát triển nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh còn khá chậm và quy mô còn khá khiêm tốn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng CNC, nông nghiệp hữu cơ, trong đó chỉ đạo thực hiện tốt Đề án số 2154/ĐA-UBND, (ngày 23/11/2020) của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2030.

30nam-quangbinh-1721014151.jpeg
Cán bộ TT Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình hỗ trợ kỹ thuật cho mô hình sản xuất dưa lưới CLC.

Theo đó, tiếp tục hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng. Phấn đấu xây dựng từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, hữu cơ ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, Quảng Bình chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên, hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét, góp phần thay đổi diện mạo cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn Sở NN-PTNT đã chỉ đạo TT Khuyến nông - Khuyến ngư với vai trò là đơn vị chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao…. Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực cho người dân, tạo ra sản phẩm sạch an toàn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn, điển hình như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng nhãn mác bao tiêu sản phẩm; mô hình thâm canh cam, bưởi, mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; mô hình trồng rau quả trong nhà màng…

Lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ; mô hình chăn nuôi bò theo hướng kinh tế tuần hoàn... Lĩnh vực thủy sản phải kể đến đó là mô hình nuôi tôm, cá kết hợp trồng lúa, sen; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

images689110-anh-2-1-1721014175.jpeg
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại thu nhập cao cho người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: Lan Chi

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, mặc dù quy mô, diện tích chưa lớn nhưng với kết quả đạt được của các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp tự phát qua sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững. Trong bối cảnh những thách thức biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về đảm bảo nguồn lương thực và cả bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp xanh hiện đang trở thành xu hướng toàn cầu, nhu cầu về các sản phẩm xanh, an toàn đang tăng cao, từ đó tạo ra sự cấp thiết cho ngành nông nghiệp xanh. Với những lợi ích mà nó mang lại, nông nghiệp xanh đang ngày càng được cộng đồng ủng hộ, người dân quan tâm. Ngành nông nghiệp Quảng Bình xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đinh Loan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nong-nghiep-xanh-huong-phat-trien-ben-vung-tai-quang-binh-a13712.html