Quảng Bình: Du lịch xanh, sản phẩm OCOP hướng phát triển bền vững

Du lịch xanh và sản phẩm OCOP đang được Quảng Bình quan tâm, xây dựng. Thời gian tới, để các sản phẩm trên tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng, về phía địa phương sẽ có những giải pháp tích cực, nhằm đưa du lịch phát triển bền vững và đưa sản phẩm OCOP đến tay du khách...

Quảng Bình có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, đặc biệt là có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp,… Bên cạnh đó, để đảm bảo chuỗi giá trị của du lịch xanh, không thể không nhắc đến các sản phẩm OCOP. Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).

Việc gắn sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch xanh không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP mà còn tạo cho loại hình du lịch xanh có thêm nhiều trải nghiệm đậm đà sắc thái văn hóa địa phương. Hoạt động du lịch trong thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh Quảng Bình, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm thì xu hướng phát triển du lịch khác nhau, kéo theo đó là phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử,... và một xu hướng hiện nay đã và đang hình thành, phát triển là du lịch xanh gắn với chương trình OCOP.

4e94a7e4a162033c5a73-1720777258.jpg
 
anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-130149-1720777112.png
Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Bình trong thời gian qua đã được người tiêu dùng đón nhận.

Theo ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch, để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh gắn với nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP, sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả cao hơn.

 Cũng theo ông Hà, việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch xanh, các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch Netzero,... Liên kết với các công ty lữ hành để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu các bon tiêu thụ; phố biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch xanh, du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, các sản phẩm OCOP đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động du lịch, công tác kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm OCOP được công nhận.

Theo ông ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam, ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và ngành du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay, du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hoà mình để cùng phát triển.

cac-dia-diem-du-lich-quang-binh-1720777320.png
Hiện nay nhiều tour du lịch xanh đã được thực hiện tại Quảng Bình.

Nhưng các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa.

Thời gian qua, để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, các gian hàng kết nối giữa du lịch và mặt hàng OCOP được Quảng Bình thực hiện khá hiệu quả được mọi người ghi nhận....

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Đinh Loan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-binh-du-lich-xanh-san-pham-ocop-huong-phat-trien-ben-vung-a13701.html