Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng này được phép tăng vốn điều lệ thêm 6.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%.
Tỷ lệ phát hành 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
Trong thông báo phát đi về việc tăng vốn điều lệ, MSB cho hay, sau hơn 3 năm niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, MSB đã đạt mức vốn điều lệ hơn 1 tỷ USD.
Việc tăng vốn điều lệ trong năm 2024 tiếp tục tạo động lực nâng vị thế cạnh tranh của ngân hàng theo quy mô, hỗ trợ bộ đệm vốn, giữ hệ số an toàn vốn CAR ở mức cao đồng thời góp phần thúc đẩy dòng chảy tín dụng.
MSB là ngân hàng nào, kinh doanh ra sao?
MSB được thành lập năm 1999, hội sở chính tại Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh của ngân hàng này là các nghiệp vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay khách hàng, đem lại nguồn thu từ lãi, chiếm tỷ trọng chính yếu trong tổng thu nhập hoạt động của MSB.
Tính đến 31/12/2023, MSB có 263 chi nhánh và phòng giao dịch trải dài trên 51 tỉnh/thành phố của cả nước. Các thị trường cốt lõi của ngân hàng bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ trọng về tiền gửi và cho vay chiếm lần lượt là 54% - 60% với Hà Nội và 16 - 20% với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2023, MSB không tăng vốn cổ phần, không thực hiện phát hành cổ phiếu. Vốn điều lệ của ngân hàng tại 31/12/2023 là 20.000 tỷ đồng. MSB không có giao dịch liên quan cổ phiếu quỹ, số lượng cổ phiếu quỹ của ngân hàng là 0 cổ phiếu.
Nguồn: MSB
Tại thời điểm 31/12/2023, cơ cấu cổ đông của MSB, số cổ đông trong nước chiếm 70,25% cổ phần (cá nhân là 35,83% và tổ chức là 34,42%). Cổ đông nước ngoài chiếm 29,75%, trong đó phần lớn là cô đông tổ chức (20,01%). Tổng số cỏ đông của ngân hàng là 34.015 cổ đông.
Tổng số lượng sở hữu cổ đông Nhà nước tại MSB là 130.544.043 cổ phiếu tương ứng 6,53% vốn điều lệ. Tổng số lượng sở hữu nước ngoài của MSB luôn đảm bảo dưới 30% theo quy định luật. Tại thời điểm 31/12/2023, ngân hàng có 130 cổ đông nước ngoài, trong đó có 100 cổ đông là cá nhân và 30 tổ chức nước ngoài, sở hữu 29,75% vốn điều lệ.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là cổ đông lớn của ngân hàng, sở hữu 120.965.367 cổ phiếu tương ứng 6,05% vốn điều lệ.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, tron quý 1/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5,6%. Tổng tài sản của MSB đạt gần 279.000 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động quý 1/2024 của MSB đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ 2023. Trong quý đầu năm, nguồn thu chính của MSB tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước, thu về 2.366 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Thu ngoài lãi chiếm tỷ trọng 24% trên tổng thu nhập trong quý của MSB. Lãi từ dịch vụ tăng 11% lên mức 300 tỷ đồng nhờ tăng thu phí dịch vụ thanh toán, thư tín dụng, dịch vụ ngoại hối. MSB thu đột biến gần 592 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, gấp 4,3 lần cùng kỳ.
Tiền gửi khách hàng tăng 4,1% so với cuối năm 2023. Tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng đạt gần 40.300 tỷ đồng, tăng 14,64%, đưa tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi đạt mức 29,21%, tăng hơn gần 3 điểm % so với 31/12/2023.
Chi phí hoạt động của ngân hàng được kiểm soát tốt hơn giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống mức 33,6% so với mức 39,26% cuối năm 2023. Kết thúc 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 1.530 tỷ đồng.
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) ở mức 71,9% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) ở mức 28,78%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất ở mức 12,15%.
Tính đến 31/03/2024, tổng nợ xấu của MSB ghi nhận 4.960 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,87% đầu năm lên 3,18%.
Chủ tịch Ngân hàng MSB hiện nay là Doanh nhân Trần Anh Tuấn. Doanh nhân Trần Anh Tuấn, hay còn được biết đến với biệt danh “Tuấn chợ”, sinh ngày 11/06/1969, quê quán tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Cử nhân khoa học địa chất – khoáng sản (Học viện địa chất Quốc gia Matxcova) và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Griggs (Mỹ). Là nhân vật nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn trong giới tài chính tại Việt Nam, ông không chỉ là Chủ tịch HĐQT của MSB Bank, mà còn là người đứng sau ROX Group – một tập đoàn đa ngành sở hữu quỹ đất Khu công nghiệp và đô thị rộng lớn lên tới 2000ha.
Vợ ông Trần Anh Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Được biết, đây là cặp vợ chồng quyền lực trong giới kinh doanh luôn song hành cùng nhau khi chồng nắm ngân hàng (Chủ tịch HĐQT MSB Bank) còn vợ là “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư các khu công nghiệp và bất động sản (Chủ tịch HĐQT ROX Group).
Pha Lê