Và rồi, nhiều người chỉ biết chép miệng thở dài. Và rồi, lại "bi kịch hoá" nghề nông, "bi luỵ hoá" người nông dân, "bi thương hoá" làng quê. Thì đó, cái gì văn minh, đèn "ngọn xanh ngọn đỏ" thì thuộc về thành thị, cái gì lạc hậu, đèn "ngọn tỏ ngọn lu" lại thuộc về nông thôn. Cuộc sống làng quê trầm lắng do thưa thớt dần, đơn điệu do suốt ngày chỉ quanh quẩn vườn tược, ruộng nương... Và cái khó, cái nghèo lại tiếp tục đeo đẳng nghề nông, đeo bám người nông dân, như "con sải ở chùa" thì chịu cảnh "quét lá đa".
Vậy mà, ở xứ người ta lại có cách tư duy khác. Mặc dù là đất nước công nghiệp đi trước xứ mình vài chục năm nhưng những giá trị về nghề nông, về "người nông" vẫn được trân quý như trăm năm trước khi còn là đất nước nông nghiệp. Vấn đề là họ xem làm nông cũng như bao nghề khác, nghề nông là nghề của tri thức, nông dân phải là người trí thức. Được tri thức hoá thì dù làm bất cứ nghề nào cũng mang lại giá trị cao, nghề nông cũng vậy. Làm nông mà có được tri thức thì sẽ thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích. Làm nông mà có tri thức sẽ hiểu được bản chất cung cầu của thị trường để tìm cách bảo quản, chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Làm nông mà có tri thức thì biết cách bán tối ưu giá trên cùng một sản lượng như nhau.
Nghề nào cũng là nghề, không có "chiếu trên, chiếu dưới". Đừng nên so sánh giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nghề làm công nghiệp, dịch vụ với nghề làm nông. Vấn đề là viễn cảnh nền nông nghiệp tiên tiến và người nông dân thời đại mới sẽ như thế nào mà thôi.
Tất nhiên, không nên ngồi đó mà trách những người trẻ bỏ quê lên phố thị. Có trách là trách chúng ta đã chưa làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi sáng lên. Sao chúng ta lại nghĩ rằng, người trí thức thì không thể là người nông dân, hoặc người nông dân thì không cần tri thức? Vậy mà đây đó, lúc này lúc khác, người nông dân đang bị bỏ rơi mặc dù họ luôn được xác định là chủ thể của tái cơ cấu Nông nghiệp và xây dựng nông thôn sao? Vậy là, không khéo thì người nông dân đang bị bỏ rơi trên "ốc đảo" của sự lạc hậu, trì trệ, bảo thủ. Nền nông nghiệp mai này chắc chắn không còn nhiều nông dân nữa. Khi đó, người làm nông ít nhưng năng suất lao động cao và mang lại giá trị gia tăng hơn nhiều lần.
Đừng vội than người nông dân bảo thủ, đừng trách người nông dân tầm nhìn ngắn. Thay vì vậy, mỗi người hãy làm gì đó cho người nông dân, cho làng quê, nơi mà mình được sinh ra hoặc ít nhiều gắn bó một phần tuổi thơ. Ai là đội quân làm nên thanh bình cho xứ sở này nếu không là lực lượng nông dân và từ nông thôn? Vậy mà đây đó lực lượng này lại thiếu vắng trong các bản kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những chương trình đào tạo nghề cho nông dân thường chỉ quanh quẩn chuyện kỹ thuật nuôi trồng, may đan... .
Trong nền kinh tế thị trường, người nông dân đâu chỉ cần đến kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải hiểu rằng sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao hơn nếu có được hàm lượng tri thức. Trong mua bán, người nông dân còn phải biết cơ bản về quy luật cung cầu để tìm cách tối đa hoá lợi nhuận bằng cách tối thiểu hoá chi phí và nâng cao chất lượng nông sản do mình làm ra. Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu thì mỗi người nông dân có thể tối ưu hoá cuộc sống và nghề nông của mình. Câu chuyện phát triển bền vững đâu chỉ trong các diễn đàn mang nặng tính hàn lâm, mà phải làm sao đến được người nông dân, những người mới thật sự làm nên sự bền vững.
Người nông dân đâu chỉ biết "lên bờ, xuống ruộng" với đôi tay chai sạm, với những giọt mồ hôi nhiều vị mặn. Người nông dân cần được tiếp cận với văn hoá nghệ thuật, biết cách giao tiếp ứng xử để có thể chung sống hoà hợp với cộng đồng, để thấy rằng cuộc sống của mình đáng sống hơn.
Ở những đất nước nông nghiệp tiên tiến, làm nông là một nghề và phải được cấp giấy phép như bao nghề khác. Xứ mình thì chắc chưa làm được như vậy, nhưng người nông dân cũng cần được học tập và được cấp giấy chứng nhận làm nông để chứng minh rằng: Tôi là nông dân với tư duy phát triển bền vững!
Không có nghề nào là nghề cao sang, nghề nào là thấp kém, chỉ có không đánh giá đúng giá trị hoặc đã ăn sâu vào trong tiềm thức cố hữu của chúng ta mà thôi. Nhiều bạn trẻ là con cháu người nông dân sau một thời gian đi học hành, làm việc ngoài tỉnh và cả ở nước ngoài, đã trở về với nông thôn, làm nông ngay trên đồng ruộng, vườn tược của ông cha bao đời. Tất nhiên các bạn làm với tư duy mới hấp thu được ở xứ người. Các bạn cùng với những nông dân được tri thức hoá sẽ hình thành đội ngũ trí thức - nông dân, nông dân - trí thức, góp phần làm nên cuộc cách mạng Nông nghiệp 4.0.
Từ những người nông dân thông minh rồi sẽ có một nền nông nghiệp thông minh, tiên tiến. Nghề nào cũng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nghề nông đâu phải là ngoại lệ!
Xích Lô
Trích đăng từ Thời báo kinh tế Sài Gòn
truongtrivinh
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tu-nhung-nguoi-nong-dan-thong-minh-se-co-mot-nen-nong-nghiep-thong-minh-a135.html