Đại gia Đào Hữu Huyền - ông chủ Hóa chất Đức Giang - đơn vị vừa bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm tra việc thoái vốn là ai?

Chỉ vài tháng sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn, Hóa chất Đức Giang tăng trưởng bùng nổ, cổ phiếu tăng phi mã, qua đó giúp ông Đào Hữu Huyền có thêm hàng nghìn tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề thoái vốn này, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị kiểm tra, trường hợp có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại DGC

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra việc thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC). Trường hợp có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

Việc Vinachem thoái vốn khỏi DGC nằm trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020 của Văn phòng Chính phủ, trực thuộc Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, Hóa chất Đức Giang tiền thân là công ty Nhà nước được thành lập vào năm 1963, trụ sở đặt tại ngõ 44 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Đến tháng 3/2004, công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Năm 2014, Hóa chất Đức Giang được niêm yết trên sàn chứng khoán.

1-1717297046.jpeg
Hóa chất Đức Giang tăng trưởng mạnh sau khi Vinachem thoái vốn.

Sau cổ phần hóa, đến năm 2019, DGC có 2 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền sở hữu 15 triệu cổ phiếu, tương đương 11,65% vốn và Vinachem sở hữu 11,45 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn.

Vào tháng 11/2019, Vinachem đăng ký bán 11,45 triệu cổ phiếu DGC, thời gian tổ chức vào 31/12/2019 với giá 49.100 đồng/cp, Vinachem ước tính thu về 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn chỉ bán được 200 cổ phiếu do giá trên thị trường khi ấy là 24.000 đồng/cp.

Sau đó, giá cổ phiếu DGC bật tăng mạnh, đến tháng 10/2021, Vinachem thông báo chuyển nhượng toàn bộ 15,14 triệu cổ phiếu DGC (tăng do chia tách) với giá khởi điểm là 152.100 đồng/cp, ước tính thu về 2.300 tỷ đồng.

Từ ngày 8/11 - 7/12/2021, Vinachem bán thành công 9,1 triệu cổ phiếu, và còn lại 6.039.090 cổ phiếu chưa bán hết.

Sau đó, Vinachem đã thực hiện tiếp giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022. Nhưng kết thúc ngày 11/2/2022, cổ phiếu rao bán không thành công.

Vinachem thông báo bán tiếp vào tháng 3/2022. Lần bán này, Vinachem đã bán xong toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022.

Đại gia Đào Hữu Huyền là ai?

Được biết, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang hiện nay là ông Đào Hữu Huyền. Vị doanh nhân này sinh năm 1956, quê Hưng Yên. Ông Huyền tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo.

Trước khi làm việc tại DGC, ông từng lập công ty TNHH Văn Minh để nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán trong nước vào năm 1993. Đến năm 2007, thời điểm cổ đông nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 20%, ông cùng gia đình đã chi tiền để mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất của công ty.

Kể từ đó ông nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của DGC từ năm 2007 đến nay, và giữ cương vị Tổng giám đốc của tập đoàn đến năm 2020, sau đó “truyền ngôi” cho trai của mình là ông Đào Hữu Duy Anh. Ngoài ra, ông Huyền còn đảm nhiệm vị trí chủ tịch của hàng loạt công ty liên quan như: CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (Mã: PAT), CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (Mã: DGL), CTCP Hóa chất phân bón Lào Cai, CTCP Hóa chất Bảo Thắng.

dao-huu-huyen-dgc-pld-1668598924-1717296961.jpeg
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hoá chất Đức Giang.

Từ thời điểm cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu lớn cổ phần của ông Huyền và gia đình lúc là hơn 46,2%. Còn theo báo cáo tình hình quản trị nửa đầu năm 2023, nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT DGC đang nắm 40,75% cổ phần tại doanh nghiệp này. Mức cổ phần giảm có thể do DGC tăng vốn điều lệ để hợp nhất với Hóa chất Đức Giang Lào Cai.

Việc cổ phiếu DGC tăng mạnh đã giúp Chủ tịch Đào Hữu Huyền ghi nhận túi tiền quy từ số cổ phiếu DGC đang nắm giữ tăng từ dưới 1,2 nghìn tỷ đồng lên gần 9 nghìn tỷ đồng trong vòng khoảng 4 năm.

Chia sẻ thêm tại phiên họp đại hội năm 2023, ông Huyền cho biết không có chủ trương mua vào cổ phiếu vì không muốn gia đình chi phối cổ phần. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, cổ đông như Đức Giang nắm giữ 5-10% vốn công ty đã là lớn. Ông có thể sẽ bán ra khi phù hợp.

Với kinh nghiệm hàng chục năm của ông Huyền nghề hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp, DGC đã phát triển vững chãi.

Nếu ông Huyền xuất phát từ một kỹ sư hóa cơ bản thì con trai ông là Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Đức Giang, là thạc sĩ hóa tốt nghiệp từ đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành xây dựng thiết kế vận hành nhà máy.

Trước khi đảm nhận vai trò Tổng giám đốc DGC năm 2020, Duy Anh là Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường xuất khẩu – mảng chiếm tới 80% doanh số DGC. Sau đó anh vào ban quản lý dự án sản xuất phân bón, theo dõi đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị, tham gia xây dựng vận hành nhà máy.

Cách đây hơn 2 năm, ông Huyền từng tiết lộ rằng trong năm qua, một người kỹ sư của công ty đã kiếm được 100 tỷ đồng, ngay cả nhân viên vệ sinh môi trường cũng sở hữu khối tài sản 35 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân viên của công ty đã mua hàng trăm chiếc ô tô mới để đi làm, tất cả đều nhờ là nhờ vào cổ phiếu DGC. Những điều này hoàn toàn có thể là sự thật trong bối cảnh Hóa chất Đức Giang của ông Đào Hữu Huyền đang làm ăn rất tốt, liên tục công bố mức lợi nhuận quý cao nhất lịch sử.

Anh Quân

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dai-gia-dao-huu-huyen-ong-chu-hoa-chat-duc-giang-don-vi-vua-bi-kiem-toan-nha-nuoc-de-nghi-kiem-tra-viec-thoai-von-la-ai-a13366.html