Được thành lập vào năm 1995, Buddhadoor Global (BDG - tạm dịch Phật Giáo Toàn Cầu) là một tạp chí Phật giáo trực tuyến cung cấp nhiều nội dung Phật giáo bằng tiếng Anh cho thế giới, tập trung vào Phật pháp và tận tâm phục vụ cộng đồng Phật giáo và giúp các học viên định hướng con đường tâm linh của họ.
Nội dung biên tập đa dạng và toàn diện của Tạp chí này bao gồm: Nghiên cứu và triết học Phật giáo; Tư tưởng, văn hóa, lịch sử và di sản Phật giáo; Thiền định, chánh niệm và thực hành Phật giáo; Phật giáo gắn bó với xã hội; Sống bền vững và từ bi; Sự kiện hiện tại và bình luận về Phật giáo đương đại.
Tiến sĩ Justin Whitaker là Phóng viên cấp cao của Buddhadoor Global. Trước đây, ông là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo của Đại học Hồng Kông. Ông có bằng Tiến sĩ tại Đại học London, nơi ông nghiên cứu về triết học so sánh, tập trung vào các tư tưởng Phật giáo thời kỳ đầu và đạo đức của Immanuel Kant (1724-1804).
Ông là tác giả cuốn sách “Suy ngẫm về Đạo đức Thiền định: 'Bài tập tâm linh' của người I-nhã và 'Mettā-Bhāvanā' của Phật giáo," (Tạp chí Nghiên cứu Liên tôn giáo, 2014) và đồng tác giả với Douglass Smith trong cuốn sách "Đọc Phật như một triết gia". " (Triết học Đông Tây, 2016) và "Đạo đức, Thiền định và Trí tuệ" trong Cẩm nang Đạo đức Phật giáo Oxford, 2018.
Tiến sĩ Justin Whitaker hiện sống ở Missoula, Montana sau hai năm sống ở Hongkong. Chuyên mục của ông, Phật pháp phương Tây, thỉnh thoảng được xuất bản.
Trên Tạp chí Phật Giáo Toàn Cầu - Buddhadoor Global, Tiến sĩ Justin Whitaker vừa có bài báo nhan đề "Thích Minh Tuệ, Phật tử tu khổ hạnh ở Việt Nam, được nhiều người theo dõi" viết về Sư Minh Tuệ đi bộ xuyên đất nước để thực hiện Pháp hạnh đầu đà.
Theo bài báo thì Thích Minh Tuệ chia sẻ rằng ông không phải là một tu sĩ chính thức về Phật giáo cũng như không liên kết với bất kỳ tổ chức nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Trong nhiều năm qua, ông đã nghiên cứu giáo lý Phật giáo và thực hành khổ hạnh xuất phát từ chính tâm mình, ông từ bỏ tất cả tiện nghi xung quanh, gia đình, tiền bạc, địa vị để tập cách sống tối giản khi chỉ ăn mỗi ngày một lần và may y phục bằng chính những mảnh vải vứt ngoài đường. Bắt đầu vào con đường tu tập, ông lấy pháp danh Thích Minh Tuệ trong đó “Minh" có ý nghĩa là sáng suốt và “Tuệ" thể hiện sự thông minh, cái tên mang hàm ý “Một con đường tu tập toả sáng", bài báo viết.
Tác giả bái báo dẫn lời ông Thành Đô, nguyên lãnh đạo tổ chức nghiên cứu Phật giáo kiêm giảng viên Đại học Phật giáo tại Pháp lập luận rằng sự nổi tiếng của Thích Minh Tuệ phần lớn là do ông đã tuân thủ nghiêm chỉnh toàn bộ các lý tưởng Phật giáo.
“Cốt lõi của Phật giáo đối với một tu sĩ bao gồm giới luật, quyết tâm và trí tuệ.” Bằng cách tuân theo giới luật, các tu sĩ sẽ rèn giũa được sự quyết tâm và khai thông trí tuệ của mình, từ đó truyền cảm hứng cho các tín đồ tại gia", ông Đô cho biết.
Bái báo viết rằng Thích Minh Tuệ đã đi bộ khắp Việt Nam từ năm 2017 như một phần trong quá trình tu khổ hạnh của mình. Tác giả bái báo dẫn lại lời phát biểu của Thích Minh Tuệ trên báo chí Việt Nam rằng: “Hành trình của con là một chuyến đi bộ suốt cuộc đời. Con không có ý định truyền bá bất kỳ thông điệp nào vì mọi điều trong Phật giáo đều đã được Đức Phật dạy. Con chỉ muốn thực hành theo lời dạy của Đức Phật để hoàn thiện bản thân mình. Trong mỗi bước đi con luôn cầu mong mọi người luôn hạnh phúc bên gia đình.”
Theo bài báo, Thích Minh Tuệ cũng chia sẻ ông đã từng nghi ngờ những lời dạy của Phật Giáo, nhưng khi đã trưởng thành hơn, ông mong muốn theo đuổi những lời dạy đó để tìm kiếm một hạnh phúc trọn vẹn hơn. Khi quyết định tu tập, ông cũng đã dành một khoảng thời gian dài để suy ngẫm về quyết định của mình trước khi xin phép cha mẹ rời nhà để theo đuổi con đường mình chọn.
Trong hành trình mà người bình thường sẽ thấy chông gai và thiếu thốn, ông không chọn cách lùi bước mà tìm cách để giải quyết. Ông đã nhặt những ảnh vải vụn ven đường hay túi rác để khâu lại thành quần áo, tắm sông tắm suối, nghỉ ngơi bên vệ đường và sử dụng các trạm xăng để giải quyết các nhu cầu vệ sinh.
"Thích Minh Tuệ chưa bao giờ cảm thấy việc đi bộ là khó khăn, ông luôn tin rằng nếu tâm trí mình bình yên và hạnh phúc, thì không có trở ngại nào có thể cản đường ông. Tấm gương từ Thích Minh Tuệ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều Phật tử cũng như người dân những nơi ông đã đi qua. Nhiều người giác ngộ, khoác y phục và tham gia đi bộ hành hương cùng ông qua nhiều tỉnh thành", bài báo viết.
Cũng theo nội dung bài báo, Thích Minh Tuệ không coi những Phật tử đi theo là đệ tử của mình nhưng ông luôn chào đón bất kỳ ai muốn đồng hành cùng ông và chỉ yêu cầu họ phải được gia đình chấp thuận. Bên cạnh đó, ông cũng luôn mong những người đi theo ông trở về nhà khi họ cảm thấy mệt mỏi.
Đoạn cuối bài báo trên Tạp chí Phật Giáo Toàn Cầu, Tiến sĩ Justin Whitaker viết: "Dù đã 6 năm không liên lạc với gia đình vì Thích Minh Tuệ không sử dụng điện thoại và mạng xã hội nhưng trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, ông vẫn luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ mình".
Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho ta niềm tin về một con người tự nguyện tu tập, về một con người tự do theo hay không theo tôn giáo, “Con chả phải là sư hay thầy gì cả. Con là một công dân Việt Nam học tập theo lời Phật dạy thôi”. Dân chúng đang khao khát một hình ảnh nhà sư đời thường như thế. Hay họ liên tưởng đến triết lý tu tại gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 700 năm trước? Nếu bỏ qua những việc lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để câu view, câu like, để nổi tiếng, để kiếm tiền, làm quá lên hay để chống phá chính sách tôn giáo của Nhà nước ta thì hình ảnh một người tự tu theo đạo Phật cho ta thêm niềm cảm hứng mới. Đó là cảm hứng về tự do, cảm hứng về vượt qua cám dỗ vật chất, cảm hứng về tâm hồn vô tư trong sáng, cảm hứng về nghị lực… (Trích bài báo "Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ" đăng trên Báo Hải Dương) |
Lucia Nguyễn
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tap-chi-phat-giao-toan-cau-viet-gi-ve-thich-minh-tue-a13363.html