Quảng Bình: Hưởng nguồn chi trả từ tín chỉ carbon - Người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Vừa qua, tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với trên 235 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã phát triển một đề xuất tín dụng carbon (các-bon) thành một cơ chế định hướng thị trường, để làm giảm lượng khí thải các-bon trên toàn thế giới. Nguồn thu từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065,27 km2, trong đó 85% diện tích là đồi núi nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn. Là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 68,69%, liên tục nhiều năm đứng thứ hai toàn quốc. Rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ tương đối cao, là nơi có khu hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng điển hình về bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học là Khu di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, xác định tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ các-bon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các - bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng thế giới tài trợ. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện và đạt được các mục tiêu, hoạt động của dự án liên quan đến chính sách, kỹ thuật và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và REDD+ làm cơ sở, điều kiện để thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho giai đoạn 2023-2025.

z5429283135776-907c2ffccaee32516d492fc4d6be7c78-1715482869.jpg
Quảng Bình là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 68,69%, liên tục nhiều năm đứng thứ hai toàn quốc.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho biết, năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại chưa chi trả sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, nguồn thu từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện ERPA đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

 Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và chủ rừng trên địa bàn tỉnh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả tích cực.

Đồng thời, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tổ chức kiểm tra rừng, truy quét tại các khu rừng trọng điểm còn giàu tài nguyên, khu vực biên giới; duy trì lực lượng chốt chặn tại các trạm, chốt kiểm tra liên ngành ở một số khu vực xung yếu để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Năm 2023 vừa qua, đã giảm đáng kể số vụ vi phạm (phát hiện và xử lý 240 vụ, giảm 67 vụ (giảm 22%CK), góp phần nâng cao độ che phủ 68,69%, tăng 0,1% cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra.

z5429283635807-b35b7b86c6d06e92a5f2d0393586639c-1715482817.jpg
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng Quảng Bình đã rất nổ lực trong việc bảo vệ rừng; phát triển rừng.

Bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện còn đối mặt với những khó khăn thách thức nhất định như: Lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng làm việc trong môi trường hết sức khó khăn, áp lực công việc lớn, luôn đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng do các đối tượng xâm hại rừng gây ra.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa đảm bảo các nguồn lực, điều kiện làm việc tốt nhất để lực lượng bảo vệ rừng yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Nguồn kinh phí đầu tư và hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn khá khiêm tốn. Vì vậy, cần có những chính sách mới, những hướng đi mới, tạo ra những nguồn lực mới, bền vững nhằm quản lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Tín chỉ các-bon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó, ví dụ  như công ty, phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ các-bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Tín chỉ các-bon về bản chất là giấy phép do Chính phủ hoặc cơ quan quản lý khác cấp, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocacbon xác định trong một khoảng thời gian được qui định. Mỗi tín chỉ các-bon có giá trị tương đương với một tấn nhiên liệu hydrocacbon. Các công ty hoặc quốc gia được phân bổ một lượng tín chỉ nhất định và có thể giao dịch chúng để giúp cân bằng tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc lưu ý, "Vì CO2 là khí nhà kính chính" nên "mọi người gọi đơn giản là kinh doanh các-bon."

Thảo Nguyên

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-binh-huong-nguon-chi-tra-tu-tin-chi-carbon-nguoi-dan-nang-cao-y-thuc-bao-ve-rung-a13192.html