Tham dự buổi tọa đàm có hơn 350 đại biểu đại diện cho hơn 1.800 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Huế. Nội dung trong buổi tập huấn bao gồm “Áp dụng công cụ AIDET và SBAR trong giao tiếp” và “Giao tiếp trong tình huống chuyên biệt - Thái độ và cách tiếp cận” với mục tiêu nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân và đem đến sự hài lòng cao nhất cho người bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế có số luợng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên gần 1.800 người, chiếm 50% cán bộ viên chức (CBVC) toàn viện. Lực lượng điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, trong phát triển các dịch vụ kỹ thuật nhất là các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong các lĩnh vực ghép tế bào gốc, ghép tạng, ung thư, tim mạch, phẫu thuật, hồi sức, đột quỵ…
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài tham gia tích cực vào công tác điều trị bệnh nhân tại bệnh viên, điều trị Covid-19 ở Trung tâm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế CS2; lực lượng điều dưỡng chiếm 2/3 tổng số nhân lực y tế đã tích cực tham gia tăng cường phòng chống dịch Covid-19 cho các tỉnh bạn trong toàn quốc từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Yên, Đồng Tháp, Bình Dương, TP.HCM...
Lực lượng điều dưỡng đã xông pha trên trận tuyến chống Covid-19 với công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, phục hồi chức năng…trong môi trường khắc nghiệt, nguy cơ lây nhiễm cao. Hoạt động hiệu quả của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã được các tỉnh bạn đã đánh giá cao, góp phần quan trọng giúp sớm đẩy lùi dịch Covid-19 .
ThS. BS CKII. Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện thay mặt lãnh đạo bệnh viện ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng, hiệu quả của hệ thống điều dưỡng trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện và mong muốn đến đội ngũ điều dưỡng cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực.
Theo bà Hương, trong thời gian đến, lực lượng điều dưỡng của bệnh viện cần nỗ lực học tập nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường giao tiếp chuyên nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo, tích cực nghiên cứu khoa học…, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Để ghi nhận và tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12/5 hàng năm, ngày sinh của Bà Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng.
Tại Việt Nam, năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức kỷ niệm "Ngày Quốc tế Điều dưỡng". Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người bệnh tại đơn vị, đồng thời cũng động viên người điều dưỡng yêu ngành nghề, yên tâm công tác, nâng cao năng lực cá nhân, tiếp tục cống hiến sức lực trí tuệ và hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Năm 2024, ICN đưa ra thông điệp hành động nhân "Ngày Quốc tế Điều dưỡng" là: "Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng". Thông điệp không chỉ tôn vinh mà còn định hình cho những bước đi tiếp theo của điều dưỡng. Giúp người điều dưỡng hiểu thêm vai trò nghề nghiệp của mình, giúp cộng đồng định hình rõ hơn về vai trò của điều dưỡng.
Trí Đảm - Đ.Quang
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/benh-vien-trung-uong-hue-to-chuc-toa-dam-chao-mung-ngay-quoc-te-dieu-duong-a13175.html